Sửa chữa Trung tâm An Đông phải đảm bảo an toàn, tiến độ

° Kinh phí sửa chữa trung tâm từ ngân sách Nhà nước
Sửa chữa Trung tâm An Đông phải đảm bảo an toàn, tiến độ

° Kinh phí sửa chữa trung tâm từ ngân sách Nhà nước

(SGGP). - Chiều 14-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã làm việc với các sở ngành chức năng và UBND quận 5 về tình hình giải quyết khiếu nại của thương nhân và tiến độ thực hiện nâng cấp, sửa chữa tại Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông (viết tắt Trung tâm An Đông), cũng như làm rõ khoản tiền 217 tỷ đồng mà Ban quản lý (BQL) Trung tâm đã thu từ thương nhân.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 cho biết, căn cứ vào đơn kiến nghị của thương nhân ngày 27-10-2016 và qua buổi tiếp xúc giữa thương nhân và đại điện UBND quận 5 ngày 28-10, UBND quận 5 đã tiến hành giải quyết các vấn đề của thương nhân đặt ra như sau: về tiến độ thực hiện nâng cấp, sửa chữa, UBND quận đã có công văn 864, ngày 22-5-2013, chấp thuận cho BQL Trung tâm An Đông làm chủ đầu tư dự án sửa chữa gồm 6 hạng mục: hệ thống cấp, thoát nước, nhà vệ sinh công cộng; hệ thống điện động lực; hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC), chống sét; ô giếng trời, nội ngoại thất; hệ thống xử lý nước thải; lắp đặt 2 thang máy nâng hàng, tải khách.

Sửa chữa, nâng cấp Trung tâm An Đông phải đảm bảo tiến độ

Trong giai đoạn 2013-2015,  BQL Trung tâm đã thực hiện thủ tục và tiến hành cải tạo, sửa chữa 2/6 hạng mục, cụ thể cải tạo trung tâm cấp, thoát nước, nhà vệ sinh công cộng và hệ thống điện động lực. Ngày 8-12-2015, BQL đã tổ chức nghiệm thu khối lượng xây lắp các hạng mục này. Ngày 24-9-2015, BQL đã đề xuất UBND quận 5 tiếp tục phê duyệt 4 hạng mục còn lại và đã được chấp thuận sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách. Hiện UBND quận đã ban hành quyết định lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng 4 hạng mục còn lại. Theo kết luận của Chủ tịch UBND quận 5 tại cuộc đối thoại với thương nhân ngày 27-10, dự kiến đến tháng 12-2016 sẽ tổ chức đấu thầu đối với 2 hạng mục là hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC), chống sét và ô giếng trời, nội ngoại thất.

Đối với các hạng mục sửa chữa chợ mà thương nhân kiến nghị bổ sung, như thay mới hoàn toàn hệ thống loa phát thanh, lắp đặt điều hòa toàn bộ trung tâm, thay mới gạch nền toàn bộ trung tâm, tháo bỏ bồn hoa, di dời cột cờ, hạ độ cao dãy phân cách 2 bên, cải thiện 4 mặt tiền theo hướng hiện đại… đã được các phòng, ban chức năng của quận tổ chức khảo sát thực tế và có văn bản trình UBND quận. Đến nay, văn bản này đã nhận được phê duyệt của quận về mặt chủ trương thực hiện. BQL Trung tâm đang liên hệ với công ty tư vấn để dự toán kinh phí và thiết lập bản vẽ trình UBND quận xem xét.

Liên quan đến số tiền 217 tỷ đồng, theo ông Phạm Quốc Huy, đây là số tiền do BQL Trung tâm là đại diện quản lý tài sản Nhà nước thu tiền thuê sử dụng điểm kinh doanh của các thương nhân (theo hợp đồng đã ký với từng thương nhân) và đã nộp vào ngân sách Nhà nước theo Nghị định 02 của Chính phủ ban hành ngày 14-1-2003 về hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho BQL chợ, DN kinh doanh khai thác và quản lý chợ. Như vậy, đây là khoản thu nộp ngân sách theo quy định, không phải tiền đóng góp của thương nhân để sửa chữa Trung tâm An Đông.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cơ bản thống nhất với trình tự giải quyết các vấn đề khiếu nại, đề nghị của UBND quận 5 đối với thương nhân. Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, việc nâng cấp, sửa chữa Trung tâm An Đông là công trình được thực hiện bằng ngân sách Nhà nước nên UBND quận 5 phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND thành phố về tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, tuyệt đối không để lãng phí, thất thoát.  Trong quá trình thực hiện, việc lấy ý kiến đóng góp của thương nhân là cần thiết, song phải đúng quy trình, ngược lại thương nhân đóng góp ý kiến cũng phải dựa trên tinh thần xây dựng để việc nâng cấp trung tâm được tốt hơn. Nếu thương nhân có ý kiến thắc mắc giống nhau thì BQL có thể triệu tập để giải thích tập thể. Những vấn đề thiên về kỹ thuật thì phải tổ chức người có chuyên môn đứng ra giải thích và nên giải thích kịp thời giúp thương nhân hiểu để cùng hợp sức đẩy nhanh tiến độ công việc.

Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến lưu ý: “Cái khó trong việc sửa chữa, nâng cấp Trung tâm An Đông là việc thi công chỉ diễn ra vào ban đêm, ban ngày tiểu thương vẫn kinh doanh. Do vậy, việc đảm bảo an toàn trong quá trình sửa chữa và bảo toàn tài sản cho tiểu thương phải là ưu tiên hàng đầu. UBND quận 5 cần lên phương án thi công thật chi tiết, bài bản nhằm tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Trung tâm An Đông không chỉ là nơi kinh doanh, mà còn là điểm thu hút khách du lịch. Vì vậy, với những hạng mục cụ thể, như công trình nhà vệ sinh, thì cần thay đổi, bổ sung để tiếp tục nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại cũng phải được đầu tư đến nơi, đến chốn trên cơ sở tiết kiệm và hiệu quả. BQL có thể mời đại diện thương nhân tham gia giám sát quá trình thực hiện nhằm minh bạch về nguồn vốn, chất lượng và tiến độ triển khai công trình”.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục