Không ngoài dự kiến, phiên họp toàn thể của Quốc hội về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 vào ngày 27-5 đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), mặc dù tuyệt đại đa số đều bày tỏ tán thành đề nghị của Chính phủ trao cho người lao động quyền lựa chọn hoặc nhận BHXH một lần hoặc nhận lương hưu.
Quyền lựa chọn không có nghĩa là đã chọn
Về Điều 60 Luật BHXH năm 2014, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng không cần phải sửa Điều 60, vì “có sai mới sửa”, trong khi ĐB nhận thức rằng “Điều 60 là hoàn toàn đúng đắn”. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, trong điều kiện hiện tại, yêu cầu của người lao động (NLĐ) về việc được nhận BHXH một lần là có thật và chính đáng và đề xuất giải quyết vướng mắc này bằng một nghị quyết của Quốc hội. Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết, nếu thấy thực sự cần điều chỉnh thì mới sửa luật theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu: “Tôi chưa thấy ai đòi bỏ Điều 60; điều này đúng, nhưng chưa đủ. NLĐ phản ứng là vì luật tước bỏ quyền lựa chọn hợp pháp của họ. Tôi xin nhấn mạnh là quyền lựa chọn, chứ chưa có nghĩa là NLĐ đã chọn hướng đó. Công tác xây dựng pháp luật phải quan tâm đến lợi ích của cả những cộng đồng thiểu số. Trong khi đó, số người phản ứng quy định này lên đến hàng trăm ngàn người trên 5 tỉnh, thành miền Nam chứ không phải “nhóm rất nhỏ”. Các ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) và nhiều ĐB khác đều có chung quan điểm đề nghị Quốc hội trao cho NLĐ quyền lựa chọn nhận BHXH một lần hoặc nhận lương hưu hàng tháng. “Tôi thấy khi xem xét điều luật này với tư cách một ĐBQH, tôi đã thiếu thực tiễn, chưa hiểu hết hoàn cảnh của mọi đối tượng chịu tác động của luật”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn tự phê bình.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường.
Mong “bấm nút” Luật Biểu tình vào kỳ họp cuối
Đó là tâm nguyện của nhiều vị ĐBQH khi cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói: “Tôi thiết tha đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Biểu tình vào kỳ 10, thông qua tại kỳ 11”. ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cũng phát biểu: “Tôi hoàn toàn tán thành đưa vào chương trình dự án Luật Biểu tình. Luật này đưa ra càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong tình hình Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, người dân rất muốn biểu lộ ý chí, nguyện vọng một cách hợp pháp”.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất đưa dự án Luật Hành chính công vào chương trình xây dựng pháp luật. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) lưu ý, cần tránh tình trạng “dồn” quá nhiều dự án luật vào một cơ quan, như Nguyễn Văn Tuyết dẫn chứng năm 2016, theo chương trình dự kiến, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ phải nghiên cứu, thẩm tra đến 6 dự án luật, chắc chắn sẽ quá tải.
Nên trao một số quyền điều tra cho Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán
Sáng 27-5, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trình bày trước Quốc hội dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này.
Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương với 75 điều. Trong đó, đáng lưu ý là việc bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là những cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo ông Nguyễn Văn Hiện, ngay trong cơ quan thẩm tra cũng vẫn còn hai loại ý kiến. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Trong khi đó, một số ý kiến lại nhất trí với đề nghị bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nếu cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp giải quyết, xác minh, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (không tiến hành điều tra toàn diện một vụ án hình sự) thì sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này…
ANH THƯ
| |
Các tin, bài viết khác
-
Khám phá vườn bonsai mọc ngược giữa phố
-
Cấm xe 3 trục qua cầu Rạch Miễu dịp tết
-
Người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày
-
Hoàn thành công trình tu bổ Khu dưỡng lão Nghệ sĩ
-
Thu gom rác gây quỹ học bổng
-
300 kiều bào họp mặt tại TPHCM mừng xuân Tân Sửu 2021
-
Không đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 5
-
Trung tâm Báo chí Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẵn sàng đi vào hoạt động
-
TPHCM cần ưu tiên dự án xử lý rác thân thiện môi trường
-
Hôm nay, chính quyền TP Thủ Đức bắt đầu hoạt động