Sửa đổi chế độ viên chức hợp đồng theo hướng có “đóng” có “mở”

Ngày 26-3, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 17, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật

Nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục quy định cụ thể hơn nhiều vấn đề như: ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm; gắn chế độ tiền lương với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung; quản lý chặt chẽ biên chế trong các cơ quan thuộc bộ máy hành chính… Tán thành về mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; thống nhất với cách xác định phạm vi sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương đã được xác định rõ tại các nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát nội dung các nghị quyết, kết luận của Trung ương để quy định cụ thể hơn nhiều vấn đề như: ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm; gắn chế độ tiền lương với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung; quản lý chặt chẽ biên chế trong các cơ quan thuộc bộ máy hành chính…

Liên quan đến chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, Tờ trình Chính phủ đề xuất 2 phương án. Phương án một xác định, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Tại phương án hai, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký kết hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Trong khi Chính phủ đề xuất chọn phương án 1, nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật lại tán thành phương án hai, vì cho rằng quy định như vậy sẽ bảo đảm ổn định tâm lý cho người lao động là viên chức (hợp đồng làm việc), tránh được cơ chế “xin – cho”. Mặc dù vậy, cùng với việc sửa đổi chế độ hợp đồng theo hướng này, cần có sự điều chỉnh các quy định có liên quan bảo đảm cơ chế có “đóng” có “mở”; đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc, như thông qua việc đánh giá, phân loại, gắn đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động luôn phải nỗ lực, cố gắng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, bên cạnh việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác này, dự án Luật được xây dựng nhằm giải quyết một số vướng mắc, bất cập đã được nhận diện trong 8 năm thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức hiện hành. “Những vấn đề sửa lần này cũng cần là những vấn đề đã rõ, đã chín, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, còn vấn đề sửa cũng được, không sửa cũng được thì không nên đưa vào”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu lưu ý.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được xây dựng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong các nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy tới.

Tin cùng chuyên mục