(SGGPO).- Sáng nay 5-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ.
Sau báo cáo này, QH đã thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở thảo luận của ĐBQH ở tổ do ông Phan Trung Lý trình bày cho thấy, các ĐBQH đều cơ bản tán thành với dự thảo và cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, các ĐBQH cũng đã góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện một số nội dung cụ thể của dự thảo và được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Về đề nghị Lời nói đầu cần được thể hiện rõ, thuyết phục hơn và mang tính hiệu triệu, kêu gọi, có sức mạnh lan tỏa hơn, ủy ban này đề nghị QH cho tiếp thu, chỉnh lý Lời nói đầu, bảo đảm súc tích và chính xác hơn.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phan Trung Lý cho biết tuyệt đại đa số ý kiến tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1; quy định rõ cơ chế để thực hiện “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân” và bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vào Điều 4. Tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, trong toàn bộ Hiến pháp năm 1992 cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ có duy nhất Điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam thì không còn lực lượng nào khác được giao trọng trách này. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn một đảng lãnh đạo ở Việt Nam. Vì vậy, xin phép Quốc hội không bổ sung từ “duy nhất” vào điều này.
Về cơ chế để nhân dân giám sát Đảng, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là cơ sở hiến định, là một bảo đảm quan trọng về mặt pháp lý để nhân dân giám sát hoạt động của Đảng. Mặt khác, trong Điều lệ và các văn kiện khác của Đảng cũng đã có các quy định để nhân dân thực hiện cơ chế “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân”, do đó đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II), các ý kiến đều cơ bản tán thành với quy định tại Chương II và cho rằng chương này có nhiều nội dung mới, các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được thể hiện chặt chẽ, đầy đủ, khái quát hơn và bảo đảm tính khả thi. Về nguyên tắc suy đoán vô tội (khoản 1 Điều 31), ủy ban tiếp thu ý kiến ĐBQH và thể hiện lại khoản 1 Điều 31 là: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Về các thành phần kinh tế (khoản 1 Điều 51), đa số ý kiến tán thành với quy định về thành phần kinh tế trong dự thảo nhưng đề nghị phân biệt rõ giữa “kinh tế nhà nước” và “doanh nghiệp nhà nước”. Ý kiến khác băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 “các thành phần kinh tế bình đẳng”. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Hiến pháp quy định về các thành phần kinh tế cụ thể. Ủy ban dự thảo sửa đổi cho rằng, việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhằm thể hiện bản chất chế độ kinh tế của Nhà nước ta, thể hiển rõ định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Hơn nữa, “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng, chứ không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước. Việc quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. Về ý kiến đề nghị bổ sung các thành phần kinh tế cụ thể khác trong Hiến pháp, nếu liệt kê cụ thể các thành phần kinh tế sẽ không bảo đảm tính khái quát của Hiến pháp. Vì vậy, ủy ban đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các thành phần kinh tế như dự thảo.
Khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai
Về sở hữu đất đai (Điều 53), ông Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định về sở hữu đất đai như dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định đa sở hữu về đất đai hoặc có sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể về đất đai. “Vấn đề này, ủy ban đã nhiều lần báo cáo giải trình với QH và đều thấy rằng, sở hữu toàn dân về đất đai là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định trong Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội quan trọng. Vì vậy, đề nghị QH cho giữ quy định về sở hữu đất đai như trong dự thảo”, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Về thu hồi đất (khoản 3 Điều 54), đa số ý kiến tán thành với quy định về thu hồi đất như dự thảo. Một số ý kiến băn khoăn về quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội vì cho rằng, thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao hàm các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Ủy ban cho rằng, để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước vẫn cần thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Vấn đề ở chỗ là Luật Đất đai phải quy định thật cụ thể các trường hợp thu hồi đất và việc thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và phải được bồi thường. Vì vậy, đề nghị QH cho giữ quy định về thu hồi đất như đã thể hiện tại Điều 54 của dự thảo.
Về trưng dụng đất (khoản 4 Điều 54), có ý kiến đề nghị bổ sung và quy định cụ thể việc trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt vì mục đích quốc phòng, an ninh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai. Ủy ban tiếp thu và đề nghị QH cho bổ sung vấn đề này vào khoản 4 Điều 54 như sau: “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai do luật định”.
Giáo dục tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí
Về ổn định giá trị đồng tiền quốc gia (khoản 3 Điều 55), có ý kiến đề nghị bỏ quy định Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia. Tuy nhiên, báo cáo tiếp thu cho rằng, việc quy định trách nhiệm bảo đảm sự ổn định của giá trị đồng tiền quốc gia của Nhà nước là phù hợp nhằm tạo cơ sở hiến định cho luật chuyên ngành quy định cụ thể các công cụ, giải pháp để Nhà nước điều hành thị trường tiền tệ. Do đó, đề nghị giữ quy định về ổn định giá trị đồng tiền quốc gia như dự thảo.
Về giáo dục (Điều 61), một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định “giáo dục tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” như Hiến pháp hiện hành. Có ý kiến đề nghị quy định thực hiện phổ cập trung học cơ sở, bỏ từ “từng bước”. Ủy ban tiếp thu ý kiến về “giáo dục tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” vào Điều 61 của dự thảo vì đây là một nội dung quan trọng, đang được quy định trong Hiến pháp hiện hành.
Về quy định lấy phiếu tín nhiệm (khoản 8 Điều 70), nhiều ý kiến tán thành không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định vấn đề này, đồng thời xem xét lại các mức tín nhiệm, những người phải lấy phiếu tín nhiệm và hậu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Như những lần giải trình trước, ủy ban đề nghị QH không bổ sung quy định việc lấy phiếu tín nhiệm trong dự thảo.
Về tên gọi Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi cho rằng, lần sửa đổi Hiến pháp lần này có phạm vi và nội dung sửa đổi tương đối toàn diện với 12 điều mới, 101 điều sửa đổi, bổ sung và chỉ có 7 điều giữ nguyên. Sau khi cân nhắc các mặt, ủy ban đề nghị QH cho lấy tên gọi là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). |
Phan Thảo
>> Phải có Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng đường Hồ Chí Minh