Suy nghĩ từ vụ ông Nguyễn Xuân Ái

Trước hết,

Các cơ quan ngôn luận, truyền thông đã đưa tin nhiều về vụ việc bê bối này. Tuy nhiên, qua phân tích kỹ vụ việc cũng rút ra được nhiều điều đáng suy ngẫm.

Trước hết, tập hợp các số liệu về cơ sở giải phẫu thẩm mỹ của ông Nguyễn Xuân Ái cho thấy: 6 chi nhánh quy mô, bề thế, được quảng cáo hết cỡ tọa lạc ở nhiều địa điểm thuộc trung tâm TP đã thu hút khá nhiều khách hàng thu nhập khá, có nhu cầu làm đẹp. Chỉ một lần giải phẫu thẩm mỹ đơn giản đã thu 21 triệu đồng. Trong khi cả năm, thỉnh thoảng cơ sở mới bị thanh, kiểm tra, nộp phạt chỉ 45 triệu đồng/lượt. Phải chăng doanh thu của hệ thống chi nhánh này rất lớn là tiền đề của tiêu cực?

Hai là, từ chỗ có nhiều tiền, dẫn đến mối quan hệ của ông Ái với các cá nhân, tổ chức của cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp ở nhiều lĩnh vực, không phải là ít. Điều này thể hiện phần nào qua tuyên bố huênh hoang của Ái khi bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản mà người ta cứ nghĩ ông ta bị bệnh hoang tưởng?!

Ba là, báo chí đưa thông tin càng nhiều, càng cụ thể, lại cho thấy chức năng quản lý của cấp cơ sở bị buông lỏng càng nhiều, bị vô hiệu hóa đến mức khó hiểu. Nó thể hiện qua thái độ của ông Ái coi thường các cơ quan quản lý chức năng. Đó chính là điều kiện để tồn tại một cách vô lý một cơ sở quá kém chất lượng trong một thời gian quá dài.

Bốn là, câu chuyện bằng cấp của ông Ái là điển hình đặc trưng cho một “xã hội bằng cấp” đang hiển nhiên tồn tại, đang thao túng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội mà dư luận bức xúc lâu nay.

Từ đây có thể rút ra được nhiều bài học về tăng cường công tác quản lý nhà nước ở cơ sở từ sử dụng, đào tạo, đến kiểm tra thường xuyên cán bộ quản lý. Nhưng trước hết, cần tổ chức kiểm điểm nghiêm túc những đơn vị, cá nhân từ các sở, ngành, kể cả cấp bộ có liên quan. Loại trừ ngay những “con sâu” lợi dụng chức, quyền để dung túng cho những cơ sở, doanh nghiệp làm ăn gian dối, gây thiệt hại cho xã hội.

TRẦN QUANG TUẤN

Tin cùng chuyên mục