Phát biểu của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định - Liên hiệp Các Hội văn học - nghệ thuật TPHCM (ngày 18-12-2013) (*)
Kính thưa các bậc văn nghệ sĩ lão thành cách mạng,
Thưa các đồng chí, các vị đại biểu và các bạn văn nghệ sĩ thành phố,
Hôm nay, trong niềm vui mừng và tự hào về chặng đường nửa thế kỷ hoạt động của Hội Văn nghệ giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định, tiền thân của Liên hiệp Các Hội văn học, nghệ thuật thành phố ngày nay; thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, tôi trân trọng chúc mừng các bậc văn nghệ sĩ lão thành cách mạng, chúc mừng đội ngũ văn nghệ sĩ, cùng toàn thể những người hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật thành phố, xin gửi tới các đồng chí, các bạn những tình cảm tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Văn học, nghệ thuật có vai trò sứ mệnh cao quý, là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn; trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Các tác phẩm, các hình tượng của văn học, nghệ thuật khi đã thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm của con người sẽ tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn; và điều đó chỉ đạt được do văn nghệ sĩ gắn bó máu thịt với nhân dân, tạo ra tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở cuộc sống, phục vụ nhân dân.
Văn nghệ sĩ Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh đã có quá trình gắn bó máu xương với lịch sử dân tộc, với cách mạng. 50 năm trước đây, trong khí thế sục sôi đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Hội Văn nghệ giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định ra đời, tạo bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng về văn hóa, văn nghệ ngay giữa lòng Sài Gòn - hang ổ, sào huyệt đầu não của kẻ thù. Văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ yêu nước của thành phố thực sự trở thành một mũi nhọn tiến công trên mặt trận văn hóa đầy nóng bỏng, cam go, khốc liệt, khơi gợi, nuôi dưỡng lòng yêu nước, hướng lòng dân về cách mạng, kiên cường chống lại sự nô dịch của văn hóa phương Tây.
Chúng ta không quên những tháng ngày mà nhiều văn nghệ sĩ của thành phố đã phải chịu tù đày, tra tấn vì ngòi bút, lời ca, tiếng hát, bức tranh của mình khi tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy, kêu gọi thống nhất non sông; tấm gương đấu tranh cách mạng kiên trung của nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ,… là những biểu hiện mãi sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những ngày tháng hào hùng, sôi động của phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc, phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, hoạt động của Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế, Hội Văn nghệ phật tử, Hội Truyền bá quốc ngữ,... đã góp phần viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Anh hùng.
Chúng ta luôn ghi nhớ rất nhiều anh chị văn nghệ sĩ của thành phố không những là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng mà còn là người trực tiếp cầm súng ngoan cường trên các mặt trận; tri ơn những Anh hùng - Liệt sĩ - Văn nghệ sĩ Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi và nhiều đồng chí khác đã hiến dâng tuổi xuân và cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng ngay trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định.
Trang sử truyền thống yêu nước, cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được biết bao cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ thành phố góp phần viết nên bằng máu, bằng cả cuộc đời của mình, đã chung sức tạo lập, dựng xây nên một thành phố trung dũng, kiên cường, năng động, sáng tạo; và trong hòa bình, lao động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố lại tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, sự tin yêu, sức sáng tạo, ý thức trách nhiệm của con người trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và thành phố hôm nay.
Phát huy truyền thống ấy, trong những năm qua, sáng tác văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ thành phố tiếp tục phát triển dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và hiện thực cách mạng xã hội chủ nghĩa; không ngừng vun bồi các giá trị mang bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần xây dựng nhân cách, tư tưởng, đạo đức, lối sống vươn lên tốt đẹp.
Các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Đề tài sáng tác về lịch sử hào hùng của đất nước tiếp tục thu hút các văn nghệ sĩ, kể cả văn nghệ sĩ trẻ. Đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, về Bác Hồ muôn vàn kính yêu, về sự năng động, sáng tạo, đầy ắp nghĩa tình của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và sự phát triển đi lên của thành phố luôn là mạch nguồn của văn nghệ sĩ, thể hiện thành công trong nhiều tác phẩm của mình. Thông qua tác phẩm văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ đã nỗ lực phát hiện, khẳng định các nhân tố mới trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân; tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác; tham gia đấu tranh phản bác các khuynh hướng, hành vi sai trái, bảo vệ và phát triển đường lối văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết 23 Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, hoạt động của Liên hiệp Các Hội Văn học, nghệ thuật thành phố và 9 hội chuyên ngành có nhiều cố gắng, đạt nhiều thành quả; đã tổ chức nhiều trại sáng tác, hội diễn, liên hoan, triển lãm, tọa đàm, trao thưởng, quảng bá các tác phẩm xuất sắc; động viên văn nghệ sĩ tham gia các đợt giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,... với các hoạt động “Về nguồn”, tổ chức đi thực tế sáng tác tại quần đảo Trường Sa, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Côn Đảo, tại các xã nông thôn mới và tại rất nhiều địa danh, các di tích, khu di tích căn cứ kháng chiến đã góp phần khơi dậy, tiếp lửa sáng tạo cho các văn nghệ sĩ.
Đội ngũ hoạt động văn học, nghệ thuật thành phố đã không ngừng phát triển lớn mạnh. Liên hiệp hội và các hội chuyên ngành ngày càng phát huy vai trò tập hợp, tạo điều kiện, khuyến khích, định hướng sáng tác và chăm lo cho văn nghệ sĩ. Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Kiến trúc sư, Hội Nhiếp ảnh luôn sôi động với các đợt vận động sáng tác chủ đề bám sát thực tiễn đời sống xã hội và sự phát triển của thành phố; Hội Sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa năng động trong các hoạt động thử nghiệm về đề tài, về nghệ thuật biểu diễn, trình diễn; Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh có nhiều tác phẩm tốt về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng; Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động... Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và thành tựu đạt được của Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ thành phố chúng ta trong thời gian qua.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, lĩnh vực văn học, nghệ thuật thành phố vẫn còn những hạn chế; sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ, chưa tương xứng với điều kiện, khả năng của thành phố. Những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật chưa nhiều, nhất là những tác phẩm phản ánh sâu sắc, sinh động hiện thực phát triển của thành phố, của đất nước. Mặt khác, do tác động của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, tác phẩm chiều theo thị hiếu dễ dãi, thậm chí là thị hiếu thấp kém xuất hiện ngày càng nhiều và đáng lo ngại, làm nhiễu loạn nhiều giá trị chân, thiện, mỹ, ảnh hưởng xấu đến xây dựng nhân cách, lối sống, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã xác định: “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước”. Để thực hiện được mục tiêu trên phải có sự thống nhất về ý chí và hành động của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân thành phố, trong đó văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố có vai trò rất quan trọng. Chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi là chúng ta không thiếu những văn nghệ sĩ giỏi về nghề nhưng tại sao vẫn có ít tác phẩm lớn, đỉnh cao về cả tư tưởng và nghệ thuật? Trong hướng tới, văn học, nghệ thuật thành phố phải làm gì, làm như thế nào để “là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội” và sự phát triển của thành phố ?
Tôi cho rằng điều quan trọng trước tiên là mỗi anh chị em văn nghệ sĩ, nhất là các văn nghệ sĩ trẻ phải tự xác định cho mình mục đích sáng tạo đúng đắn. Tài năng sáng tạo văn học, nghệ thuật là thiên phú nhưng tài năng cần hướng đến phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân; tác phẩm muốn sống được trong lòng nhân dân thì phải từ thực tiễn cuộc sống, được khắc họa, nâng tầm thành nghệ thuật. Tài năng mà thiếu rèn luyện, bồi dưỡng, thiếu chăm chút cho tâm hồn mình thì tác phẩm cũng không thể vươn tới các giá trị đích thực của chân, thiện, mỹ. Để có được những tác phẩm tốt mang tính nhân văn sâu sắc và tính xây dựng cao, phản ánh đa dạng đời sống xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, của đất nước thì bên cạnh năng lực sáng tạo, văn nghệ sĩ phải “tắm mình” vào hiện thực sinh động, phải thực sự rung động cùng với nhịp thở của xã hội, của nhân dân. Chỉ có sáng tạo bằng khát vọng cao cả thì tác phẩm văn học, nghệ thuật mới có được tầm vóc lớn lao. Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có cả hạn chế, khuyết điểm, yếu kém; song lịch sử, sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhân dân, Đảng ta là rất phong phú và vĩ đại, là biển cả mênh mông, đất trời bao la cho đời sống, cho sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Do đó, xây dựng, củng cố, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Liên hiệp hội và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành cần phải năng động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động của mình, có các giải pháp thiết thực và tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm phát triển văn học, nghệ thuật thật mạnh mẽ, làm nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của thành phố. Các giải pháp cần đặt trọng tâm vào công tác xây dựng chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ ở hai mặt tư tưởng chính trị và chuyên môn sáng tác, biểu diễn. Tập trung nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, nhất là đối với các văn nghệ sĩ trẻ. Đẩy mạnh tổ chức trại sáng tác, các chuyến đi thực tế sáng tác, hoạt động “Về nguồn”, các giải thưởng về văn học, nghệ thuật, tổ chức phát động các cuộc vận động sáng tác theo chủ đề, hoạt động quảng bá tác phẩm, v.v… giúp cho văn nghệ sĩ luôn nuôi dưỡng ngọn lửa sáng tạo và chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để ngọn lửa ấy tỏa sáng, đơm hoa kết trái.
Thưa các đồng chí, các vị đại biểu, anh chị em văn nghệ sĩ và các bạn,
50 năm qua, văn học, nghệ thuật cách mạng thành phố Hồ Chí Minh là một dòng chảy liên tục, xuyên suốt, mạnh mẽ và không ngừng phát triển. Văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ thành phố chúng ta đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần tạo nền tảng tinh thần vững chắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tôi tin tưởng rằng đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh, với truyền thống yêu nước nồng nàn, cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhất định sẽ đẩy mạnh hoạt động văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Nhân dịp năm mới sắp đến, tôi kính chúc các bậc văn nghệ sĩ lão thành cách mạng; chúc anh chị em văn nghệ sĩ, các vị đại biểu và các bạn thật mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Năm mới, thắng lợi mới.
Trân trọng cảm ơn.
––––––––––––
(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt