Tại các chợ truyền thống: Hàng hóa dồi dào, sức mua rất chậm

Còn chưa đầy một tháng nữa sẽ khép lại mùa kinh doanh cao điểm Tết Canh Tý 2020. Tại các chợ, hàng hóa cung ứng cho nhu cầu mua sắm tết năm nay rất đa dạng, phong phú, trừ nhóm hàng thực phẩm tươi sống giá bán nhích nhẹ, còn lại đều ổn định so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sức mua tại thời điểm này vẫn rất chậm. 
Hàng hóa dồi dào tại chợ An Đông (ảnh chụp ngày 25-12-2019). Ảnh: ĐỨC THIỆN
Hàng hóa dồi dào tại chợ An Đông (ảnh chụp ngày 25-12-2019). Ảnh: ĐỨC THIỆN

Không lo thiếu hàng tết

Có mặt tại khu vực ngành hàng quần áo của chợ An Đông, chúng tôi nhận thấy không khí kinh doanh có phần sôi động hơn so với trước đó. Hàng hóa ken dày các lối đi. Nhiều tiểu thương đang hối hả soạn đơn hàng để chuyển về tỉnh cho đối tác. Dù vậy, khi nói về sức mua, hầu hết tiểu thương tại đây khẳng định buôn bán ở chợ đang rơi vào tình trạng năm sau giảm sút nhiều so với năm trước. Chị Vân, tiểu thương bán vải, cho biết các loại vải, nhất là vải may áo dài, may đầm, váy ngày càng đẹp về mẫu mã, đa dạng về chất liệu, nhưng vẫn không vực dậy được sức mua cuối năm.

“Trước đây, vào thời điểm trước tết khoảng 1 - 2 tháng, gian hàng của tôi phải tìm thêm người phụ bán, nay thì phải giảm bớt nhân viên vì khách chỉ đến mua lác đác”, chị Vân nói.

Tại chợ Thảo Điền (quận 2), hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống cũng tràn ngập trên quầy kệ chờ khách. Thậm chí mặt hàng thịt heo được xem là tâm điểm vì nguồn cung sụt giảm nhưng đến 11 giờ trưa 25-12, hầu hết gian hàng thịt vẫn còn rất nhiều, tiểu thương thì ra sức mời chào khách. Chủ một sạp hàng cho biết, để đáp ứng đa dạng nhu cầu chế biến, họ còn bán cả giò heo thui sẵn, nhưng do giá thịt heo quá cao nên “có làm cách gì cũng không cứu vãn được sức mua đang tụt dốc”. Nếu các đơn vị chăn nuôi, thương lái không kéo giảm giá heo hơi thì nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ “nói không” với thịt heo, ngay cả vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. 

Còn tại chợ Bến Thành, trong những ngày này hàng hóa cũng được trưng bày nhiều hơn, bắt mắt hơn để thu hút khách du lịch. Nhiều gian hàng bánh mứt tết, trái cây được tăng cường sản phẩm từ nhiều nguồn, các gian hàng quần áo, giày dép, dụng cụ gia đình và thủ công mỹ nghệ cũng thêm nhiều sản phẩm có gam màu đỏ, vàng đặc trưng của ngày tết. Giá bán hầu hết các mặt hàng này vẫn rất ổn định, nhưng vẫn không có dấu hiệu khả quan về sức mua. 

“Thường thì vào mỗi dịp Giáng sinh rồi đến Tết Dương Lịch, mặt hàng mứt các loại bán rất chạy, vì không chỉ có khách du lịch khi đến TPHCM mua làm quà, mà Việt kiều cũng mua rất nhiều để mang về nhà dùng vào dịp Tết Nguyên đán. Gần đây, tình hình sức mua giảm hẳn nên hầu hết tiểu thương cũng không lên kế hoạch cụ thể cho việc dự trữ nguyên liệu để sản xuất mứt tết, chỉ bán đến đâu hay đến đó”, chủ một gian hàng bánh mứt chợ Bến Thành cho hay.

Khó cạnh tranh với siêu thị 

Trái ngược với các chợ truyền thống, tại các siêu thị và trung tâm thương mại sức mua đã bắt đầu khởi sắc. Nguyên nhân chính là các kênh phân phối hiện đại đã bắt tay với nhà cung cấp thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi với nhiều hình thức để kích cầu tiêu dùng, như giảm giá bán đến 49%, mua 1 tặng 1, giờ vàng khuyến mãi, mua hóa đơn 300.000 đồng sẽ được mua hàng giảm giá đến 70%, tặng gấp đôi hoặc gấp 3 điểm thưởng… 

Điển hình như tại siêu thị Emart, chương trình “Giá rẻ mừng sinh nhật - giá rẻ hơn 4 năm trước” được áp dụng với hầu hết các ngành hàng, mặt hàng, đã tạo nên “cơn khát” mua sắm cho nhiều bà nội trợ. Chị T.H., tiểu thương ngành hàng quần áo chợ Gò Vấp, cho biết từ khi khuyến mãi, trung bình 2 ngày chị ghé siêu thị này một lần để mua sắm, nếu chịu khó tìm thì nhiều sản phẩm có giá rất rẻ. Theo chị T.H., tiểu thương chợ truyền thống không thể cạnh tranh được với cách kinh doanh này. 

Các hệ thống siêu thị khác như Co.opmart, Co.opXtra, Big C, Mega Market… cũng đang bước vào cao điểm khuyến mãi cuối năm ở nhiều nhóm hàng để đẩy nhanh lượng hàng hóa ra thị trường, thu hồi vốn.

Quá trình đi thực tế, chúng tôi ghi nhận giới hạn mua sắm của người tiêu dùng ở khu vực chợ truyền thống ngày càng ngắn lại. Họ chỉ đến mua thực phẩm tươi sống và tạp hóa, dẫn đến tình trạng có nhiều gian hàng, khu vực kinh doanh bị đóng cửa. Chợ Nguyễn Văn Trỗi là một ví dụ, chỉ có 594 sạp mở cửa bán hàng, số sạp cho thuê làm kho và bỏ trống lên tới 203 sạp vì nhiều nguyên nhân, trong đó lý do “bỏ sạp” là do mãi lực quá thấp. Trong khi đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm thương mại có quy mô lớn, giúp người tiêu dùng có thể trải nghiệm cùng lúc nhiều loại hình như vui chơi, giải trí, ăn uống kết hợp với mua sắm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho các chợ truyền thống kém hấp dẫn. 

Để kéo giảm khoảng cách về sức mua giữa chợ với siêu thị, trung tâm thương mại, không còn cách nào khác là cần tăng cường đầu tư để cải tạo lại hệ thống hạ tầng chợ theo hướng sạch, đẹp, hiện đại và văn minh. Bản thân tiểu thương cũng phải không ngừng làm mới mình để thu hút khách hàng, bằng không chúng ta sẽ tiếp tục bị lãng phí vì mặt bằng bị bỏ trống, không thu được thuế, phí, còn tiểu thương thì không khắc phục được tình trạng ế ẩm.

Tin cùng chuyên mục