Tái hiện tư tưởng Bác Hồ là nhiệm vụ của mỗi nhà giáo

(SGGP).- Ngày 10-6, Trường Đại học Sài Gòn đã tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Một thế kỷ Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011)".

Hội thảo đã quy tụ nhiều nhà khoa học đầu ngành, cán bộ giảng viên và sinh viên tham gia viết tham luận với hơn 170 bài. PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: Hầu hết các bài tham luận là kết quả nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi những tư liệu và nội dung khoa học phong phú từ nhiều góc độ khác nhau về hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác.

Các ý kiến thảo luận từ nhiều góc nhìn khác nhau đã nêu ra được những phân tích, đánh giá có cơ sở khoa học làm phong phú thêm nhận thức chung quanh sự kiện này. Nhiều bài tham luận đã nêu ra những bài học về sự sáng suốt lựa chọn con đường đi cứu nước, về ý chí, phương pháp tư duy, khả năng vượt khó để tự học… để thời gian và lịch sử của đất nước, của thời đại đã chọn cho Việt Nam một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định vai trò quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nên luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Triết lý giáo dục Việt Nam trên thực tế đã được định hình từ tư tưởng giáo dục của Người. Đặc biệt, nhiều tham luận của các nhà giáo đã nêu những kinh nghiệm quý trong công tác giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là môn học mới, những kinh nghiệm trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ở góc độ giáo dục, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ tái hiện tư tưởng của Bác trên bục giảng, trong mỗi giờ học và trong công việc hàng ngày.

L.LINH - A.CHÂN

Tin cùng chuyên mục