(SGGP).- Sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn lao động liên tiếp, làm 3 công nhân bị thiệt mạng tại công trình xây dựng tòa nhà Landmark Tower trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) - tòa tháp được coi là cao nhất Việt Nam, do Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư - vào trưa 27-7 vừa qua, đúng ngày thi công trở lại sau 5 ngày bị đình chỉ để điều tra các nguyên nhân gây tai nạn, ở đây lại xảy ra thêm một vụ tai nạn lao động nữa, làm 3 người gồm cả công nhân và kỹ sư rơi từ tầng 13 của tòa tháp xuống.
Nhưng rất may các nạn nhân cùng tấm dầm đã được các tấm lưới sắt ở tầng 8-9 cản lại, nên may mắn thoát chết. Tuy nhiên, đã có 2 công nhân bị bất tỉnh và 1 người bị thương nhẹ.
Thời gian qua, ở Hà Nội đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn lao động. Theo Sở LĐTB-XH Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2009, có tới 60% vụ tai nạn lao động trên địa bàn là tai nạn ở các công trình xây dựng. Trong tháng 7-2009, Hà Nội có tới 12 vụ tai nạn lao động, làm chết 13 người.
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Ban Thanh tra an toàn lao động thuộc Sở LĐTB-XH Hà Nội - nhiều vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua là do lỗi của cả công nhân lẫn doanh nghiệp. Trong đó, do khan hiếm công nhân nên chủ yếu các doanh nghiệp tận dụng lao động mùa vụ, không qua trường lớp đào tạo, tập huấn, cũng không ký kết hợp đồng lao động. Khi thi công, công nhân thường chủ quan, không đeo dây bảo hiểm hoặc sử dụng sai quy cách.
Tuy nhiên, một hiện tượng nổi lên hiện nay là nhiều nhà thầu thi công sử dụng lao động nhưng đã tiết kiệm chi phí bằng cách cắt giảm các khoản đầu tư về thiết bị an toàn bên cạnh việc bớt xén vật liệu. Thực tế, khi xây dựng tòa nhà Landmark Tower, đơn vị thi công chỉ trang bị vài tấm lưới giăng ở các tầng trong khi theo quy định thì các tầng đều phải có hàng rào, che chắn lưới để ngăn bụi và làm giảm tai nạn khi có trường hợp công nhân rơi từ trên cao.
Ph.Hậu