
Không chỉ “ăn ngon” mà còn “ăn có trách nhiệm”
Tại các đô thị lớn như TPHCM, nhu cầu thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc và vận chuyển đúng chuẩn đang dần trở thành tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn của NTD. Không ít người sẵn sàng bỏ qua yếu tố tiện lợi, giá cả để ưu tiên mua sắm tại các điểm bán có thể truy xuất được hành trình của sản phẩm, từ trang trại đến bàn ăn.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (xã Bình Mỹ) cho biết, trước đây chị thường mua thịt heo tại chợ truyền thống gần nhà, nhưng sau một lần con nhỏ bị rối loạn tiêu hóa vì ăn phải thịt có dấu hiệu ôi thiu, chị quyết định “chuyển kênh”. “Tôi mua ở siêu thị Satramart Củ Chi cho chắc, thịt có đóng gói, có tem truy xuất và màu sắc tươi tự nhiên hơn. Ăn xong con không còn kêu đau bụng nữa nên tôi yên tâm hơn”, chị Hoa chia sẻ. Tương tự, anh Phạm Quốc Vinh (phường Hiệp Bình Phước) chia sẻ, anh thường ghé qua cửa hàng Satrafoods ở khu đô thị Vạn Phúc. “Tôi không có thời gian đi chợ, nhưng lại rất kỹ chuyện đồ ăn. Ở đây có thịt sạch, rau có chứng nhận, nhân viên giải thích rõ ràng. Tôi chọn vì tin, chứ không phải vì gần”, anh Vinh nói.
Những lựa chọn như của chị Hoa hay anh Vinh phản ánh một chuyển biến sâu sắc trong hành vi tiêu dùng. Cụ thể, theo khảo sát do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố năm 2025 cho thấy, NTD sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua những sản phẩm thực phẩm, đồ uống mà họ từng có trải nghiệm tốt, cảm nhận tích cực, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sở hữu các chứng nhận chất lượng. Đặc biệt, xu hướng lựa chọn này không chỉ dừng ở thực phẩm hay đồ uống mà còn lan rộng sang toàn bộ nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Chủ động kiểm soát chuỗi
Tuy nhiên, để NTD có thể an tâm về chất lượng, việc chỉ kiểm tra thực phẩm ở điểm bán là chưa đủ. Bởi, mỗi sản phẩm bày lên kệ đã đi qua hàng chục công đoạn, từ con giống, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, đóng gói đến vận chuyển. Bất kỳ khâu nào bị buông lỏng cũng có thể tạo ra rủi ro, ảnh hưởng đến chất lượng cuối cùng. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều nhà bán lẻ lớn lựa chọn chủ động kiểm soát chuỗi thay vì “chờ đến khâu cuối”. Điển hình là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV - SATRA đã xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống theo mô hình khép kín, kiểm soát nghiêm ngặt từ đầu vào đến đầu ra.
Là đơn vị quản lý chuỗi phân phối nông sản, thực phẩm lớn nhất TPHCM, SATRA đang trực tiếp vận hành nhiều mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống, từ hệ thống giết mổ, sơ chế, kho lạnh đến logistics và phân phối. Đáng chú ý, chuỗi này có sự phối hợp chặt chẽ của các công ty thành viên như Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN), Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec), Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT)... Mỗi đơn vị đảm nhận một khâu chuyên biệt, góp phần tạo nên hệ thống kiểm soát khép kín từ gốc.
Trong đó, VISSAN là đơn vị nòng cốt trong khâu giết mổ và chế biến thịt tươi sống. Ông Lê Minh Tuấn, Tổng giám đốc VISSAN, cho biết, từ năm 2017, VISSAN đã triển khai hệ thống truy xuất TE-FOOD ứng dụng công nghệ blockchain, cho phép NTD tra cứu toàn bộ hành trình sản phẩm qua mã QR trên bao bì, từ con giống, chăn nuôi đến phân phối. Hệ thống này được tích hợp đồng bộ với mạng lưới của SATRA, đảm bảo tính minh bạch và an toàn xuyên suốt chuỗi cung ứng.
Theo đại diện SATRA, không chỉ kiểm soát nội bộ thông qua các công ty thành viên, SATRA còn siết chặt đầu vào từ nhà cung cấp bên ngoài. Tất cả đối tác muốn đưa hàng vào hệ thống đều phải trải qua quy trình đánh giá định kỳ theo 5 nhóm tiêu chí chặt chẽ: năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý chất lượng, dịch vụ hậu mãi và uy tín truyền thông. Chỉ những đơn vị đạt từ 60% điểm đánh giá trở lên, đồng thời có đầy đủ hồ sơ pháp lý (HACCP, ISO, VietGAP, GlobalGAP, OCOP…) và kết quả kiểm nghiệm định kỳ mới được hợp tác cung ứng.
Sau khi qua vòng sàng lọc đầu vào, hàng hóa sẽ được chuyển đến hệ thống bán lẻ Satramart và Satrafoods. Tại đây, công tác bảo quản được thực hiện nghiêm ngặt theo chuẩn lạnh, đảm bảo duy trì độ tươi ngon và ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ cấp. Các sản phẩm thịt tươi sống, hải sản, rau củ… đều có thể truy xuất nguồn gốc tại điểm bán thông qua mã QR, hồ sơ niêm yết, hệ thống dữ liệu nội bộ. Song song đó, SATRA còn duy trì cơ chế hậu kiểm định kỳ, lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định. “Chiến lược kiểm soát từ gốc không chỉ giúp chúng tôi chủ động đảm bảo chất lượng hàng hóa, mà còn góp phần nâng mặt bằng tiêu chuẩn của thị trường thực phẩm nội địa. Bởi minh bạch là yếu tố sống còn để giữ niềm tin NTD trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi. Nếu chỉ chờ đến khâu bán lẻ mới kiểm tra thì đã muộn”, đại diện SATRA nhấn mạnh.
Tái cấu trúc thị trường thực phẩm từ chuỗi cung ứng chuẩn hóa
Việc SATRA trực tiếp điều hành các mắt xích trọng yếu trong chuỗi, thay vì khoán trắng cho bên thứ ba cho thấy cam kết thực chất của doanh nghiệp với vai trò “gác cửa” thực phẩm sạch. Với hơn 200 điểm bán trực thuộc trên toàn thành phố, SATRA đang từng bước lan tỏa mô hình chuỗi cung ứng có trách nhiệm, nơi NTD không cần phải đặt dấu hỏi mỗi khi chọn mua thực phẩm mỗi ngày.
Ở một cấp độ sâu hơn, chiến lược “giữ sạch từ gốc” không chỉ giúp một hệ thống bán lẻ vận hành hiệu quả, mà còn góp phần định hình lại tư duy sản xuất và tiêu dùng. Nhà sản xuất buộc phải minh bạch. Nhà bán lẻ không còn chỉ là nơi “bán hàng” mà trở thành người gác cổng của thị trường. Và NTD được trả lại quyền cơ bản nhất: biết rõ mình đang ăn gì, uống gì, từ đâu đến.
Chính vì vậy, khi SATRA không chỉ là đơn vị phân phối mà còn trực tiếp tham gia vào toàn bộ chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối, không chỉ mang ý nghĩa đảm bảo an toàn cho từng sản phẩm cụ thể. Trên thực tế, cách làm này đang tác động đến cả thị trường - ở chiều sâu, buộc các đối tác phải thay đổi nếu muốn có mặt trong chuỗi bán lẻ hiện đại.