Tấm lòng người lính

Tuổi đời vừa đôi mươi, họ xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc. Có người đã để lại chiến trường một phần máu thịt. Trở về với cuộc sống thời bình, phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ, những người lính ấy lại tiếp tục đóng góp cho xã hội bằng nhiều việc làm thiết thực.  

Làm bằng tấm chân tình

“Chị Tư ơi, chị nói mấy đứa nhỏ gom hàng hóa cho gọn vào. Tết nhứt tới rồi chợ đông đúc lắm. Để vào trong nhà, mình vừa trông coi được tài sản, lại vừa giúp tình hình trật tự được đảm bảo”.

Nghe tiếng nhắc nhở của ông Nguyễn Xuân Huệ, Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường 8 quận Tân Bình, bà Tư chưa kịp gọi thì mấy thanh niên trong cửa tiệm đã chạy đến khiêng các thùng hàng đặt vào trong. Dù bị nhắc nhở, nhưng cả bà Tư lẫn người làm công đều vui vẻ, bởi ai cũng hiểu ông Huệ có ý tốt, ông nhắc để giúp bảo vệ tài sản cho tiểu thương. 

Đến chợ Tân Bình, hỏi ông Huệ bảo vệ dân phố hầu như ai cũng biết. Bởi gần 20 năm qua, mỗi ngày, không biết bao nhiêu bận, đôi chân ông Huệ rảo quanh từng ngõ ngách trong khu chợ Tân Bình để thăm hỏi, hướng dẫn bà con tiểu thương giữ gìn tài sản của mình, cũng như nhìn ngó giúp bạn hàng bên cạnh. Nhờ đó, tiểu thương ngày càng nâng cao ý thức cảnh giác cũng như chấp hành nghiêm chỉnh trật tự trong kinh doanh.

“Càng gần tết thì càng phải nhắc nhở bà con chú ý quan sát, đề phòng kẻ gian. Bởi thời gian này ai cũng lu bu buôn bán nên sẽ mất cảnh giác. Mình làm bằng tấm chân tình, tất cả vì lợi ích của tiểu thương thì lâu dần bà con sẽ hiểu, không giận hay than phiền mình khó khăn”, ông Huệ cười hiền.

Nếu tại chợ Tân Bình, ông Huệ được biết đến là người gần gũi tiểu thương, thì ở địa phương, ông cũng “nổi đình, nổi đám” với thành tích gần 40 lần bắt đối tượng cướp giật. Kể về lần đầu tiên bắt cướp, ông Huệ nói nhẹ tênh: “Sáng đó tôi đang đi tập thể dục, nghe tiếng hô cướp, tôi lao tới quật ngã được tên cướp để lấy lại cái túi, không ngờ tên cướp thủ sẵn dao và bất ngờ đâm vào bụng tôi rồi bỏ chạy. Lúc đó tôi thấy đau, nhưng tay đã cầm chặt cái túi nên cũng mừng”.

Chỉ khi mọi người chạy đến đưa đi cấp cứu ông Huệ mới hay mình bị đâm lòi ruột. Sau lần ấy, ông vẫn hào hiệp ra tay bắt cướp. Bản thân ông đã có kinh nghiệm để tránh bị “dính đòn” nguy hiểm, nên gia đình ông an tâm hơn.

“Ngày xưa ra chiến trường, bom nổ trên đầu, súng của địch ngay trước mặt mình còn không sợ, chẳng lẽ giờ thấy cướp làm ảnh hưởng đến đời sống người dân mình lại chịu thua”, ông Huệ tâm sự.    

Lặng thầm cống hiến

Cũng ở quận Tân Bình, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ cựu chiến binh quận Tân Bình, được mọi người gọi thân thương là má Tuyết. Mở quyển sổ chi chít chữ và các con số, bà Tuyết vui mừng khi thấy danh sách vận động hàng hóa và quà đã tương đối đủ đầy.

Tấm lòng người lính ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (thứ 4, từ phải qua) phụ người dân chuyển đồ khỏi chung cư cũ nát

“Số hàng này sẽ được bày bán trong ngày hội bán hàng đồng giá 10.000 đồng phục vụ người lao động khó khăn dịp tết đến. Thấy vậy chứ hữu ích cho bà con nghèo lắm. Trả một ít tiền để chọn món đồ cần thiết cho gia đình vào dịp tết, tâm lý ai cũng vui”, bà Tuyết chia sẻ.

Với 28 năm làm Bí thư chi bộ khu phố, bà Tuyết thường xuyên đến thăm hỏi, động viên người dân. Với nhiều gia đình, bà Tuyết như người thân trong nhà. Nhờ làm tốt khâu tuyên truyền, hiểu rõ từng gia đình trên địa bàn, năm 2019 bà Tuyết đã vận động 102 hộ dân đồng thuận di dời khỏi 2 chung cư đã xuống cấp. 

Gần gũi mọi người, nhất là người nghèo, bà Tuyết hiểu họ ngại nhận đồ từ thiện. Vậy là thay vì tặng quà tết thì nhiều năm nay, bà Tuyết cùng các nữ cựu chiến binh trên địa bàn quận tổ chức ngày hội bán hàng đồng giá 10.000 đồng nhằm giúp người khó khăn có đủ đầy thực phẩm, quần áo trong dịp năm hết tết đến. 

Đó chỉ là một trong những hoạt động ý nghĩa do bà Tuyết khởi xướng trong những ngày cận tết. Mấy ngày trước, bà cùng các mạnh thường quân đi trao căn nhà mới cho người nghèo trên địa bàn quận. “Nhìn thấy niềm vui của cả gia đình 3 thế hệ khi được dọn vào nhà mới trong những ngày giáp tết, lòng tôi hạnh phúc vô cùng”, bà Tuyết nói. Tính đến nay, trong hành trình của mình, bà Tuyết đã vận động xây dựng gần 50 căn nhà tình nghĩa, tình thương. Với nhiều gia đình, căn nhà mới ấy là ước mơ cả một đời.   

Ở tuổi ngoài 70, bà Tuyết vẫn nhanh nhẹn, vui khỏe như cô gái trẻ trên trận tuyến ngày nào. Dù bản thân chịu nhiều di chứng do chiến tranh để lại, nhưng với phẩm chất người bộ đội và trái tim nhân ái, bà vẫn lặng thầm cống hiến. Biết ở đâu có người khó khăn, cần giúp đỡ, bà sẵn sàng đến để sẻ chia. Ngoài vận động các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ người khó khăn, bản thân bà Tuyết cũng trích một triệu đồng từ phần lương hưu ít ỏi của mình để mỗi tháng chăm lo cho 2 hộ gia đình khó khăn.  

Một hoạt động nhân văn khác mà bà Tuyết thực hiện là vận động hơn 1.300 hội viên nuôi heo đất để giúp đỡ người nghèo, chăm lo tết cho gia đình khó khăn. Bà còn tổ chức các buổi khám bệnh, phát thuốc, giúp đỡ đồng bào lũ lụt, trao xe đạp, học bổng cho các cháu học sinh nghèo học giỏi. Bà chia sẻ: “Còn sức khỏe tôi sẽ ráng làm. Bởi tôi tin, khi nhìn thấy nụ cười của những người khó khăn, đồng đội tôi đang nằm trong lòng đất mẹ cũng sẽ hạnh phúc như tôi”.

Tin cùng chuyên mục