Ung thư đại trực tràng là bệnh lý ung thư thường gặp ở Việt Nam, đứng hàng thứ tư ở cả hai giới. Ở nước ta, mỗi năm có khoảng hơn 7.300 người mới mắc và hơn 4.100 người tử vong do ung thư đại trực tràng.
Tỷ lệ sống 5 năm đạt 90% nếu bệnh này chỉ khu trú trong thành ruột; đạt 68% nếu bệnh đã di căn hạch và chỉ còn 10% nếu bệnh đã di căn xa. Nếu được tầm soát và phát hiện sớm bệnh ung thư đại trực tràng có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh là 23% và giảm 31% tỷ lệ tử vong.
Ai nên đi khám?
Các polyp tuyến được xem là có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Vì thế việc phát hiện và lấy đi các polyp tuyến, phát hiện bệnh sớm sẽ giúp tăng tỷ lệ sống đối với bệnh nhân. Polyp tuyến thường xuất hiện ở tuổi 50 trở đi. Do đó, hầu hết các chương trình khám tầm soát ung thư đại trực tràng thường áp dụng cho những người từ 50 tuổi.
Ngoài ra, những người sau đây được xem là nhóm nguy cơ cao (dễ mắc ung thư đại trực tràng) bất kể độ tuổi: trước đây đã từng bị polyp tuyến, ung thư đại trực tràng, viêm đại tràng hoặc trong gia đình có cha, mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại trực tràng hoặc bướu tuyến đại trực tràng.
Làm gì để tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng?
Khám trực tràng bằng ngón tay: các bác sĩ sẽ đeo găng và khám trực tràng trực tiếp bằng ngón tay. Khoảng 50% các trường hợp ung thư đại trực tràng nằm ở vùng hậu môn-trực tràng, vì thế động tác khám đơn giản này có thể giúp phát hiện đa số các sang thương ở trực tràng.
Tìm máu ẩn trong phân: nhiều trường hợp bệnh nhân đi tiêu có vẻ bình thường, phân không thấy vấy máu nhưng có thể có hiện tượng chảy máu rất ít, mắt thường không thấy được. Bằng các xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (gFOBT, FIT,..), phòng xét nhiệm có thể phát hiện được có sự hiện diện của máu trong phân hay không, từ đó giúp bác sĩ có chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác để phát hiện ra bệnh.
Các kỹ thuật nội soi ruột:
+Nội soi trực tràng bằng ống cứng: các bác sĩ sẽ dùng ống soi đặt vào lòng trực tràng bệnh nhân, qua đó sẽ quan sát các tổn thương của trực tràng nếu có. Kỹ thuật này giúp phát hiện những tổn thương trong khoảng 30cm cuối của trực tràng.
+ Nội soi đại tràng sigma bằng ống mềm: giúp phát hiện các tổn thương ở 40 cm cuối của đường tiêu hóa, việc chuẩn bị ruột đơn giản và thường không cần dùng thuốc an thần cho bệnh nhân.
+ Nội soi khung đại tràng bằng ống mềm: giúp phát hiện các tổn thương trong khung đại tràng. Cần phải chuẩn bị đại tràng kỹ và bệnh nhân cần dùng an thần.
Khi nào đi khám?
Đối với người từ 50 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát ung thư đại trực tràng mỗi năm một lần. Các bác sĩ sẽ khám trực tràng, tìm máu ẩn trong phân. Nếu có nghi ngờ các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân nội soi trực tràng hoặc đại tràng sigma. Việc nội soi khung đại tràng chỉ nên thực hiện mỗi 5 năm hoặc tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Tóm lại, việc khám tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh ung thư đại trực tràng sẽ giúp các bác sĩ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, vì thế việc điều trị sẽ hiệu quả với chi phí thấp hơn, đem lại lợi ích cho người bệnh, gia đình, ngành y tế và toàn xã hội.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM kết hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức buổi tư vấn ung thư đại-trực tràng dưới sự chủ trì của GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam và các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về ung thư. Buổi tư vấn lúc 14 giờ – 16 giờ ngày 3-11 tới tại BV Ung bướu TPHCM. Liên hệ Đơn vị Tư vấn tầm soát ung thư – BV Ung bướu TPHCM, ĐT: 38418929. |
BS. DIỆP BẢO TUẤN
(BV Ung bướu TPHCM)