Tan hoang rừng phòng hộ ven biển

Cả dãy rừng phi lao phòng hộ ven biển thị trấn Thiên Cầm  (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) từ bao đời nay được xem như bức tường xanh bảo vệ cuộc sống, sản xuất cho hàng ngàn hộ dân. Thế nhưng, sau ảnh hưởng bão số 10 năm 2017 và các đợt triều cường làm nhiễm mặn đã khiến rừng phòng hộ này bị tan hoang, chết dần chết mòn.
Xác xơ rừng phi lao phòng hộ ven biển ở thị trấn Thiên Cầm
Xác xơ rừng phi lao phòng hộ ven biển ở thị trấn Thiên Cầm

Có mặt tại địa bàn tổ dân phố Song Yên (thị trấn Thiên Cầm), chúng tôi chứng kiến cả dãy rừng cây phi lao ven biển kéo dài nhiều kilomét bị tan hoang như một bãi chiến trường. Hàng ngàn cây phi lao nhiều năm tuổi với đủ kích thước, cao thấp khác nhau đã bị bật trơ gốc, gãy đổ, xiêu vẹo nằm la liệt; số ít những cây may mắn sống sót còn lại cũng đang trong tình trạng “thoi thóp”, xác xơ, cành lá đang khô héo dần và nguy cơ cũng sẽ chết khô không bao lâu nữa.

Ông Trần Xuân Hiền (67 tuổi, ở tổ dân phố Song Yên) cho biết, Thiên Cầm, Cẩm Dương, Cẩm Hòa là những địa phương nằm ngay sát cửa biển thường xuyên phải hứng chịu thiệt hại nặng từ gió bão, thiên tai. Trước đây, khi có rừng cây phi lao phòng hộ che chở ngoài bờ biển nên cuộc sống, sản xuất của người dân nơi đây mới được yên bình. Nhưng nay, khu rừng phòng hộ bị tan nát, chết khô, hoang tàn thì cuộc sống của người dân chúng tôi càng thấp thỏm lo lắng hơn, nhất là mỗi khi mưa bão về, gió biển sẽ xoáy xộc thẳng vào nhà dân, triều cường dâng cao làm xói mòn bờ biển và tràn qua đường, xâm nhập mặn sâu vào vườn tược, ruộng đồng. “Mỗi ngày đi ra biển, nhìn thấy khu rừng phòng hộ bị chết dần chết mòn, nguy cơ xóa sổ hoàn toàn càng cảm thấy rất xót xa, lo lắng. Rất mong chính quyền địa phương sớm khảo sát đầu tư kinh phí để triển khai các phương án trồng phục hồi lại khu rừng này góp phần bảo vệ cuộc sống, sản xuất ổn định lâu dài cho người dân”, ông Hiền nói.

Ông Nguyễn Văn Chuy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thiên Cầm, cho biết, khu rừng cây phi lao phòng hộ ven biển này được trồng cách đây hơn 20 năm, trong đó địa điểm rộng nhất là hơn 200m và kéo dài hàng chục kilomét từ thị trấn Thiên Cầm đến địa bàn xã Cẩm Dương, xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên). Tuy nhiên, do ảnh hưởng bão số 10 năm 2017 và các đợt triều cường khiến khu rừng ngày càng khô gãy, bật gốc, bị chết dần không thể phục hồi được. Hàng chục năm nay, khu rừng này có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, giúp chắn sóng, ngăn nước biển xâm nhập mặn, ngăn gió bão, ngăn xói mòn đất đai, bảo vệ cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân của nhiều địa phương (trong đó có tổ dân phố Song Yên, thị trấn Thiên Cầm với 300 hộ dân, gần 700 nhân khẩu). 

Ông Trần Đình Cúc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, chính quyền địa phương cũng đã xin phép cơ quan lâm nghiệp cho thu gom số cây đã chết, đồng thời phát động người dân ra quân tiến hành trồng phục hồi lại được khoảng 3 vạn cây phi lao, tuy nhiên số cây này trồng lên chưa được bao lâu thì cũng bị chết khô vì đất đai đã bị nhiễm mặn nặng. “Không có khu rừng cây phi lao phòng hộ chắn sóng, chắn gió ven biển thì cuộc sống, sản xuất của gần 500 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu ở các thôn Bắc Hòa, Phú Hòa, Mỹ Hòa… sẽ bị đe dọa rất nghiêm trọng. Hiện nay, địa phương đang tiến hành khảo sát và đề xuất lên UBND huyện, Phòng NN-PTNT xem xét khi độ nhiễm mặn đất đai ven biển giảm xuống, hỗ trợ cây phi lao để tiếp tục trồng mới, phục hồi lại khu rừng cây phi lao phòng hộ càng sớm càng tốt”, ông Cúc nói.

Tin cùng chuyên mục