

Nhà phê bình Đinh Quang Tốn từng tốt nghiệp khoa Văn – Đại học Sư phạm Hà Nội, trước khi đứng vào hàng ngũ bộ đội những năm cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tổ quốc hòa bình, anh trở lại quê nhà làm nghề dạy học và tham gia lãnh đạo Hội Văn nghệ Hải Hưng. Tập tiểu luận đầu tay “Cánh diều và mặt đất” của Đinh Quang Tốn được trao giải thưởng Ủy ban toàn quốc liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN, giúp anh định danh một nhà phê bình văn học.
Khác với những cây bút lý luận khác, Đinh Quang Tốn đã âm thầm viết những câu thơ nhỏ nhẻ ngay từ trong khói lửa như Mẹ sinh tôi sau một ngày đi cấy. Tôi lớn lên trong tiếng lúa rì rào hoặc Tôi như là cây nhỏ. Vườn gửi trồng nơi xa, cho nên văn phong của anh mềm mại và giàu hình ảnh.
Đọc cuốn “Tản mạn nghiệp văn” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành, dễ dàng nhận ra ở Đinh Quang Tốn một bút pháp phê bình ngắn gọn, giản dị và súc tích. Tuy nhiên, ưu điểm vượt trội của anh là sự chân thành và trong sáng. Nhiều vấn đề Đinh Quang Tốn đưa ra, đồng nghiệp và công chúng có thể đồng thuận hoàn toàn, có thể chưa đồng thuận, nhưng đều thấy thuyết phục bởi giọng điệu đằm thắm và gần gũi.
“Tản mạn nghiệp văn” tập trung kiến giải những hiện tượng văn chương hoặc chia sẻ những chuyện “bếp núc” sáng tạo. Mỗi bài giống như một lát cắt sinh động. Độc giả có thể nghiền ngẫm từng bài riêng biệt, nhưng cuốn sách có sức hấp dẫn để chúng ta phải đọc từ trang này sang trang khác.
Đinh Quang Tốn không thần thánh hóa trang viết, anh xem văn chương là một lao động hơi đặc biệt một chút: “Văn học nghệ thuật cũng như cuộc sống, phong phú kỳ lạ và còn nhiều ẩn số. Nó gắn bó cuộc sống giống như cánh diều phải gắn với mặt đất bằng sợi dây. Cánh diều càng bay cao thì sợi dây càng mờ đi, đến nỗi nhiều khi người ta chỉ còn nhìn thấy cánh diều thôi. Nhưng nếu cắt đứt sợi dây thì cánh diều bị lật nhào”.
Lắng lòng theo nhịp điệu văn học giai đoạn đổi mới đất nước, Đinh Quang Tốn nhận diện được toàn cục nên không khó khăn gì để lách ngòi bút vào những vấn đề cụ thể như “Tính thời sự và giá trị vĩnh cửu”, “Phải chăng nhà thơ là triệu phú ngẩn ngơ?”, “Chỉ miêu tả cũng bất tử” hay “Câu thơ mang kinh nghiệm sống một đời”.
Và khi đặt văn học trong bối cảnh hội nhập, Đinh Quang Tốn nghĩ ngợi về “Nền tảng của văn chương” một cách mạch lạc: “Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là điều tự nhiên, tất yếu của nền văn hóa mỗi dân tộc. Nhưng điều đó không đơn giản như nhiều người ngộ nhận. Không phải cứ học tập, đào tạo và sống ở nước ngoài là tiếp thu được nền văn hóa cao của nhân loại. Rất nhiều người được học tập, đào tạo và sống ở những nước phát triển nhưng chỉ tiếp thu được những thứ cấp của nền văn hóa đó. Ngược lại, có người chỉ sống ở trong nước, nhưng tự học tập tìm hiểu vẫn có thể tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Bằng thiện chí cá nhân, Đinh Quang Tốn cho rằng người sáng tạo cần một “tấm hộ chiếu” khác, cụ thể hơn và bản sắc hơn: “Không thể có cái gì chung cho toàn nhân loại. Các văn nghệ sĩ Việt Nam hiện nay, nếu có tài, không sáng tác theo các thể loại cổ điển của dân tộc nữa thì hãy sáng tạo ra những phong cách nghệ thuật mới, chứ đừng học theo các trường phái, trào lưu của nước ngoài. Theo đuôi họ làm ra những hàng nhái, hàng dỏm để làm gì? Hàng nhái, hàng dỏm là hàng hóa vật chất còn bị tẩy chay, thì hàng nhái, hàng dỏm trong văn chương nghệ thuật làm sao có đất sống?”.
Gói ghém trong hơn 200 trang in, “Tản mạn nghiệp văn” nhẹ nhàng mà bề bộn những suy tư cho hành trình phát triển văn học nước nhà hôm nay. Đinh Quang Tốn không quá sắc sảo, nhưng anh có phẩm chất cần thiết nhất của một nhà phê bình là sự chính tâm. Do đó, khi bàn về “Nhà văn và nhân cách văn hóa”, anh đã bộc bạch: “Xã hội loài người đã bước vào thế kỷ văn minh rồi, sự nhường nhịn có khi lại thắng sự giành giật. Con lắc của chân lý cuối cùng bao giờ cũng về đúng vị trí của nó, dẫu có bị chao lắc mạnh mẽ của bão gió. Tài năng thì có thể không cố được, nhưng nhân cách văn hóa thì có thể cố gắng, có thể rèn luyện, tu dưỡng được!”.
Xin chúc mừng “Tản mạn nghiệp văn” của nhà phê bình Đinh Quang Tốn. Và cũng xin cám ơn anh đã đem đến cho người yêu văn chương một cuốn sách đáng đọc và đáng nhớ!
LÊ THIẾU NHƠN