- Không đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự
Ngày 21-5, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 và các dự án luật, gồm: Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình sang kỳ họp thứ 11
Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp sáng 21-5. Theo đó, căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11. Ngược lại, dự án Luật Khí tượng - thủy văn từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 được “đẩy” lên cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Về 9 dự án Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, sau khi cân nhắc, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung 2 dự án luật vào chương trình năm 2015 thuộc chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm các dự án: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi).
Đề xuất sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
Trong phiên họp sáng 21-5, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cũng đã báo cáo trước Quốc hội về việc sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 (quy định BHXH một lần). Theo đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đã báo cáo với Quốc hội quan điểm của ủy ban về vấn đề này. Theo đó, đa số thành viên ủy ban tán thành với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần, phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già.
Bảo đảm quyền chất vấn ở mọi thời điểm
Theo dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND được quyền chất vấn cả trong kỳ họp, ngoài kỳ họp và phù hợp với điều kiện Quốc hội, HĐND hoạt động không thường xuyên. Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời các câu hỏi chất vấn ngay tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND, phiên họp UBTVQH, phiên họp Thường trực HĐND. Đối với một số trường hợp mà chất vấn chưa thể trả lời trực tiếp ngay tại phiên họp, Quốc hội, UBTVQH, HĐND, Thường trực HĐND cho trả lời bằng văn bản. Quyền không trả lời thông tin thuộc bí mật nhà nước cũng đã được nêu trong dự thảo luật.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói thêm: “Nhiều ý kiến vẫn đề nghị cụ thể hóa thế nào là “bí mật nhà nước” để tránh tình trạng đối tượng chịu sự giám sát từ chối trả lời, cung cấp thông tin, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của các chủ thể giám sát”.
Làm rõ đặc thù hoạt động giám sát của Mặt trận
Thảo luận về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành sự cần thiết phải quy định trong dự thảo luật về nội dung này. Tuy nhiên, cần làm rõ tính đặc thù trong hoạt động giám sát của Mặt trận; làm rõ tính chất giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “mang tính nhân dân”. ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện giám sát, giá trị pháp lý của kết luận, kiến nghị giám sát; trách nhiệm, chế tài đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau giám sát. Các ĐB cũng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban công tác Mặt trận...
Không tán thành đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự Báo cáo về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, có một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức được công nhận như thực hiện NVQS tại ngũ (như lao động công ích hoặc đóng một khoản tiền vào quỹ quốc phòng). Tuy nhiên, theo UBTVQH, NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, nên việc quy định nghĩa vụ dân sự thay thế như nghĩa vụ đóng tiền hoặc nghĩa vụ lao động công ích là không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đồng thời làm mất ý nghĩa thiêng liêng của NVQS. Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào dự thảo luật. Đáng lưu ý, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là vấn đề còn có rất nhiều ý kiến khác nhau. UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật Chính phủ trình quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp. ANH PHƯƠNG |
BÌNH AN