Tăng cửa hàng tiện lợi để cạnh tranh

Trong bối cảnh “lấn sân” của nhà bán lẻ nước ngoài với những mô hình kinh doanh hiện đại, các nhà bán lẻ nội địa cũng đang tích cực trong cuộc “chạy đua” tăng tiện ích dành cho người tiêu dùng. Đây được đánh giá là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp trong nước có thể giữ vững thị phần trên sân nhà.

 

 

Khu vực vui chơi dành cho thiếu nhi tại Co.opmart Huỳnh Tấn Phát quận 7
Khu vực vui chơi dành cho thiếu nhi tại Co.opmart Huỳnh Tấn Phát quận 7
Đến mua sắm, thỏa vui chơi

Với bối cảnh hội nhập thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành bán lẻ phải không ngừng nỗ lực khảo sát thị trường, nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam không ngại đầu tư, tổ chức các mô hình kinh doanh cạnh tranh thông qua đa dạng hàng hóa, dịch vụ, thời gian phục vụ, nguồn nhân lực, giao hàng...

Từ khi các mô hình bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) như chuỗi siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, Trung tâm thương mại SC Vivo City, Trung tâm thương mại Sense City, chợ hiện đại Sense Market, cửa hàng Co.opFood, cửa hàng Co.op... được phủ sóng từ trung tâm nội đô cho đến các quận huyện vùng ven trên khắp địa bàn TPHCM, người dân dù thu nhập thấp vẫn có thể mua sắm những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp. Đáng chú ý hơn, những mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, nước mắm... luôn được kinh doanh theo giá bình ổn thị trường, giúp người lao động, công nhân, tiết kiệm được chi phí sinh hoạt trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Đánh giá về siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) vừa chính thức hoạt động vào cuối tháng 9-2017, bà Mai Thị Bé, cư ngụ tại quận 7, cho biết: “Việc Co.opmart Huỳnh Tấn Phát được thiết kế hiện đại hơn so với những siêu thị khác là tăng cường nhiều tiện ích như bổ sung khu nghỉ chân, khu vui chơi của trẻ em hay khu ẩm thực, cụm rạp chiếu phim… nên người dân rất hoan nghênh và hưởng ứng vì với địa bàn ngoại thành như khu vực này, thường có rất ít các điểm vui chơi, giải trí dành cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên”.

Các nhà bán lẻ hiện cũng không ngần ngại thể hiện tham vọng tăng tiện ích cho các mô hình kinh doanh bằng nhiều giải pháp cung cấp đa dạng dịch vụ, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày của khách hàng. Hầu hết hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn TPHCM đều triển khai dịch vụ thu hộ và thanh toán tiền sử dụng điện, nước, truyền hình cáp, thẻ cào điện thoại... Một số nhà bán lẻ còn ký kết hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, vừa thực hiện thanh toán hóa đơn mua sắm vừa phối hợp triển khai các ưu đãi gia tăng lợi ích cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart, cho biết với cơ cấu hàng Việt chiếm hơn 90%, hệ thống siêu thị này cùng với những mô hình kinh doanh khác thuộc Saigon Co.op luôn là cánh tay nối dài, công cụ hỗ trợ, tạo thêm điều kiện thuận lợi trong việc quảng bá hàng Việt Nam đến người tiêu dùng; thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, với những tiện ích Saigon Co.op đầu tư tại Co.opmart Huỳnh Tấn Phát cũng như những siêu thị khác trong tương lai, người tiêu dùng sẽ được hưởng thụ không gian mua sắm nhiều tiện ích mới và trở thành điểm đến đáng tin cậy nhất.

Xu hướng tất yếu

Bên cạnh tăng tiện ích các mô hình kinh doanh, việc phát triển thêm cửa hàng tiện lợi vừa được xem là vệ tinh của nhà bán lẻ tại các địa bàn dân cư vừa đáp ứng phần nào nhu cầu của người tiêu dùng. Theo đó, tốc độ phát triển trong những năm gần đây của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đã tăng 200%. Trong thời gian tới, việc các nhà bán lẻ đẩy mạnh “chen chân” dành thị phần và xem cửa hàng tiện lợi như là một trong những mô hình bán lẻ mang lại sự tiện ích đến với người dân (tiếp cận khu dân cư, khu công nghiệp) sẽ thúc đẩy mô hình bán lẻ này phát triển mạnh. 

Tính đến hết tháng 9-2017, các nhà bán lẻ dẫn đầu tại TPHCM như Saigon Co.op đã phát triển và mở 170 cửa hàng Co.op Food; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) đạt con số 143 cửa hàng Satrafoods... Hàng hóa kinh doanh tại cửa hàng tiện lợi luôn được các nhà bán lẻ ưu tiên lựa chọn những nhà cấp phối có uy tín,  đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... và thuộc chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố. 

Ghi nhận tại thị trường TPHCM, hầu hết cửa hàng tiện lợi của các nhà bán lẻ nội đều kinh doanh đa dạng ngành hàng từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm... đến nhiều đồ dùng thiết yếu khác. Các cửa hàng này được đánh giá đáp ứng được nhu cầu của người dân về sự tiện lợi trong mua sắm hàng ngày; đồng thời, gần như có thể xem là sự tích hợp giữa tiệm tạp hóa và chợ truyền thống. Đặc biệt, cửa hàng Satrafoods thứ 143 vừa khai trương tại quận 10, lần đầu tiên có khu vực kinh doanh ẩm thực bên cạnh khu tự chọn thực phẩm các loại. Trong đó, khu vực kinh doanh ẩm thực có phục vụ cà phê, nước giải khát và nhiều loại thức ăn nhanh với giá dao động từ 5.000 - 30.000 đồng/phần. 

Với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ ước tính hơn 8,5%/năm và mức tăng trưởng tiêu dùng cá nhân luôn trên ngưỡng 2 con số/năm, Việt Nam luôn là thị trường thu hút các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam được nhiều công ty nghiên cứu thị trường xếp vào tốp 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới, càng khiến các nhà bán lẻ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh.
 Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt quy mô khoảng 180 tỷ USD vào năm 2020, không chỉ tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là “đòn bẩy” cho nhà bán lẻ nội địa đẩy mạnh nhiều chiến lược cải cách mô hình kinh doanh. Trong đó, để giữ vững thị phần trên sân nhà, gắn kết khách hàng thân thiết... bên cạnh chiến lược tăng tiện ích cho người tiêu dùng, việc đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, dịch vụ… cũng ngày càng được các nhà bán lẻ nội địa chú trọng hơn

Tin cùng chuyên mục