(SGGP).- Ngày 4-9, tại TPHCM, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo chính sách, pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Một thực trạng đang diễn ra được nhiều đại biểu cảnh báo bên cạnh nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính thì cũng có nhiều doanh nghiệp “ma”, biến tướng, dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo, để chiếm đoạt tiền người lao động, thậm chí có trường hợp trá hình, đưa phụ nữ bán dâm.
Do vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị quá nhỏ, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm nên việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động đã không thể quản lý được một khi phát sinh rủi ro, thậm chí xuất hiện cảnh tượng “đem con bỏ chợ”. Phí môi giới, phí quản lý xuất khẩu lao động chưa được công bố rõ ràng đến người dân... đã tạo kẽ hở cho các “cò” lợi dụng, lừa đảo.
Theo báo cáo của Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH), hiện nay cả nước có 165 doanh nghiệp được cấp giấy phép trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tuy nhiên theo ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc cấp phép cho 165 đơn vị là quá nhiều, gây nên tình trạng lẫn lộn tốt - xấu khó phân biệt cho người lao động, trong khi các đơn vị này lại tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM.
Tính từ tháng 7-2007 đến nay, có khoảng 500 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng năm gửi tiền về cho gia đình qua hệ thống ngân hàng đạt gần 2 tỷ USD. Một số thị trường lao động truyền thống của Việt Nam vẫn là: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Đông...
Q. LÂM