Tăng cường liên kết du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam, định vị thương hiệu “Dòng chảy tinh hoa”

Sáng 8-8, tại tỉnh Quảng Ngãi diễn ra hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TPHCM với các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế) giai đoạn 2021-2025 với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”. Hội nghị có hơn 300 đại biểu các tỉnh, thành tham dự.
Tăng cường liên kết du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam, định vị thương hiệu “Dòng chảy tinh hoa” ảnh 1 Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết Diễn đàn phát triển du lịch TP Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Vào tháng 11-2020, tại tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo UBND 7 tỉnh, thành phố trong nhóm liên kết đã cùng nhau ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó tập trung vào công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch.

Năm 2021, theo báo cáo của Tổ công tác, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 7 tỉnh, thành trong nhóm liên kết đạt khoảng 17,7 triệu lượt khách; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 63.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, với các chính sách mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch đã có những diễn biến tích cực. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 32,9 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 87.900 tỷ đồng.

Tăng cường liên kết du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam, định vị thương hiệu “Dòng chảy tinh hoa” ảnh 2 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn phát biểu khai mạc. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn chia sẻ những địa thế thuận lợi của TP Hà Nội, TPHCM và các Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, TP Hà Nội và TPHCM là 2 trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và trung tâm du lịch của Việt Nam, là nơi tụ hội của những yếu tố đặc trưng về văn hóa, con người, cũng như tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch.

Trong khi đó, Vùng kinh tế trong điểm miền Trung là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. “Dòng chảy tinh hoa” kỳ vọng sẽ là định vị thương hiệu du lịch chung cho toàn Vùng trong thời gian đến. 
Tăng cường liên kết du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam, định vị thương hiệu “Dòng chảy tinh hoa” ảnh 3 Tỉnh Quảng Ngãi chú trọng phát triển du lịch biển đảo, trong đó đảo Lý Sơn là điểm nhấn du lịch

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cam kết tỉnh Quảng Ngãi cùng các tỉnh, thành phố sẽ nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường du lịch, hướng đến du lịch xanh và phát triển bền vững, xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch…

Trong thời gian qua, các địa phương trong liên kết đã triển khai có hiệu quả hoạt động chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch của các địa phương. Thành lập các Tổ nghiệp vụ: Tổ quản lý nhà nước (tỉnh Quảng Ngãi làm tổ trưởng), Tổ sản phẩm (TPHCM làm Tổ trưởng), Tổ truyền thông (TP Đà Nẵng làm tổ trưởng).

Hầu hết các tỉnh, thành phố đều triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch kết nối, vận động các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tổ chức các tour đưa khách đến thị trường TP Hà Nội và TPHCM.

Đồng thời, làm việc với các hãng hàng không tham gia ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình kích cầu du lịch tại diễn đàn để cụ thể hóa chính sách ưu đãi kích cầu cho khách du lịch vào thị trường của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tăng cường liên kết du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam, định vị thương hiệu “Dòng chảy tinh hoa” ảnh 4 Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, ngay từ tháng 10-2021, khi dịch bệnh Covid-19 có những tín hiệu được kiểm soát, TPHCM đã tổ chức kết nối trở lại với các địa phương đã liên kết phát triển du lịch và phục hồi hoạt động của ngành. 6 tháng đầu năm 2022, khách du lịch nội địa đến TPHCM đạt khoảng 11 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 50.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy liên kết vùng thực sự có hiệu quả trong phục hồi hoạt động du lịch.

Qua hội nghị này, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM tin rằng liên kết sẽ tạo ra một sức bật mới cho từng địa phương, tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ có liên quan triển khai kế hoạch kinh doanh, đầu tư các sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, TPHCM cam kết và sẵn sàng phối hợp với các địa phương để triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Sắp tới, TPHCM sẽ tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE) lần thứ 16 năm 2022 diễn ra từ ngày 7-9 đến 10-9 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm TPHCM với quy mô 200 gian hàng và 200 người mua quốc tế.

Tăng cường liên kết du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam, định vị thương hiệu “Dòng chảy tinh hoa” ảnh 5 Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt phát biểu hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của mối liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trong điểm miền Trung, cùng với đó, ghi nhận sự quan tâm, vai trò chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nội dung liên kết giai đoạn 2021-2022.

Theo Thứ trưởng, việc liên kết phát triển du lịch TP Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trong điểm miền Trung vẫn còn rất nhiều dư địa để phát huy hết vị thế trung tâm du lịch của vùng.

Do vậy, Bộ VH-TT-DL đề nghị các địa phương quan tâm đến một số vấn đề, trong đó đối với sản phẩm cần có sự khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng và cân bằng giữa các địa phương, đảm bảo mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể thương hiệu du lịch vùng.

Đồng thời, tập trung phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch truyền tải thông điệp theo chủ trưởng của Bộ VH-TT-DL trong bối cảnh mới là “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đối với thị trường Quốc tế và “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa.

Tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư, hợp tác công - tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến. Hiện, ngành du lịch rất cần sự ủng hộ, phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính quyền, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thể người dân.

Đồng thời, Thứ trưởng mong muốn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai hiệu quả, phát huy vai trò quan trọng trong phát triển khu vực và tạo hiệu ứng lan tỏa tới các địa phương khác trên cả nước.

Tăng cường liên kết du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam, định vị thương hiệu “Dòng chảy tinh hoa” ảnh 6 Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch giữa hiệp hội du lịch các tỉnh, thành. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Tại hội nghị diễn ra hoạt động ký kết Thỏa thuận hợp tác du lịch giữa hiệp hội du lịch TP Hà Nội, TPHCM và 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi trao biểu trưng đăng cai cho UBND tỉnh Bình Định. Sự kiện hội nghị tổng kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ được tổ chức tại tỉnh Bình Định vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục