
Thực tế cho thấy, chưa thấy cơ quan nào sử dụng phương thức công khai kết luận thanh tra bằng hình thức công bố trực tiếp lên cổng thông tin của cơ quan tham gia giám sát, công bố thông qua phương tiện truyền thông.
Mục tiêu của mặt trận là qua giám sát sẽ đẩy mạnh việc công khai kết luận thanh tra của các bộ, ngành, địa phương để người dân biết, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra. Cùng với đó, mặt trận cũng sẽ tiến hành giám sát và thúc đẩy việc công khai hóa về kết quả đấu thầu các dự án; việc thực hiện quy chế phát ngôn... Nếu mặt trận làm hiệu quả việc giám sát này, đây sẽ là nguồn “mở” thông tin rất quý giá với báo chí để đẩy mạnh thông tin chống tiêu cực, tham nhũng. Bởi ai cũng hiểu, các nhà báo đã tiếp lửa rất nhiều trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Việc báo chí tiếp cận với các kết luận thanh tra trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy việc công bố công khai các kết luận thanh tra sẽ tạo được hiệu ứng tốt và tạo động lực cho các nhà báo phản ánh rõ hơn và đi đến cùng của từng vụ việc.
Thực tế cho thấy, thanh tra Bộ GTVT đã thành lập thêm một phòng xử lý sau thanh tra. Đây chính là việc đảm bảo đi đến cùng kết quả thanh tra và đây cũng là mục tiêu đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam muốn đặt ra với các địa phương, từ đó nâng cao tỷ lệ công bố kết luận thanh tra tại các tỉnh, thành phố. MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, việc công khai hóa các kết luận thanh tra chính là cơ sở để MTTQ và các cơ quan báo chí cùng đồng hành giám sát và thực hiện tốt hơn nữa vai trò lắng nghe ý kiến nhân dân của mình.
Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, vai trò của báo chí không chỉ là phát hiện vụ việc mà còn là chỉ ra nguyên nhân tham nhũng, qua đó kiến nghị các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách. Đây cũng là nội dung được các cơ quan quản lý hết sức quan tâm. Mặt trận giám sát nhưng không có chế tài xử lý, nhưng nếu kết quả giám sát biến thành sức ép thì sẽ thúc đẩy giải quyết. Báo chí có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Nhưng tương tự mặt trận, báo chí phát hiện, giám sát cũng không có chế tài. Nhưng những gì phát hiện được báo chí phản ánh, công khai sẽ tạo thành “chế tài” để chính quyền các cấp phải tập trung giải quyết.
Theo thống kê chưa đầy đủ của mặt trận, mỗi tuần báo chí cả nước có khoảng 170 bài viết chống tiêu cực. Nếu mặt trận các cấp cùng vào cuộc với báo chí để tham gia giải quyết các vấn đề mà xã hội bức xúc sẽ giúp chuyển biến tình hình. Mặt trận mong muốn cùng báo chí làm được việc: khi phản ảnh được vụ việc tiêu cực, tham nhũng thì phải chuyển được vụ việc đó đến cơ quan có thẩm quyền.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, 3 năm qua, MTTQ Việt Nam đã triển khai các chương trình giám sát, phản biện với nhiều vấn đề nhân dân quan tâm. Nhưng cái khó của mặt trận là giám sát nhưng không chế tài. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, giám sát vẫn có thể chế tài được nếu kiến nghị của mặt trận chuyển thành quyết tâm chính trị của Đảng, của chính quyền ở những nơi, những cấp mà mặt trận thấy cần phải có biện pháp cụ thể. Tương tự, báo chí có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các điển hình, tấm gương tốt, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nhưng những phát hiện này vẫn chưa thực sự có chế tài. Chính vì vậy, mặt trận cùng phối hợp với báo chí để những vấn đề báo chí nêu phải chuyển thành hành động của Đảng, chính quyền để chế tài những sai phạm này.
Tới đây, khi có Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, vai trò giám sát và phản biện xã hội của mặt trận sẽ được thể chế hóa. Người dân kỳ vọng, với sự “chia lửa” của mặt trận và báo chí, tình hình chống tiêu cực, tham nhũng trong thời gian tới sẽ có chuyển biến.