Tăng huyết áp (bệnh tăng xông) là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng và đang có xu hướng gia tăng số người mắc. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Trong khi đó, các dấu hiệu cảnh báo, nhận biết trước căn bệnh tăng huyết áp lại rất mơ hồ nên việc chủ động và có ý thức phòng chống là biện pháp quan trọng ngăn chặn căn bệnh này…
Cứ 4 người có 1 người mắc
Theo đánh giá của Viện Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp đang trở thành căn bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, khi số người mắc gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi. Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn cầu có khoảng 1,5 tỷ người bị tăng huyết áp và mỗi năm có tới 9,4 triệu người trên toàn thế giới tử vong vì căn bệnh này. Đối với Việt Nam, kết quả điều tra mới nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh thành cho thấy tình trạng đáng báo động, khi tỷ lệ mắc tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%, nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị mắc căn bệnh này.
Nguy hiểm hơn theo GS-TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết, bệnh tăng huyết áp có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh bị tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Trong đó phổ biến nhất là các biến chứng về tim như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim; biến chứng về não như xuất huyết não, nhũn não; biến chứng về mắt làm mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết, hoặc các biến chứng về mạch máu.
Viện trưởng Nguyễn Lân Việt cảnh báo, căn bệnh tăng huyết áp được xem như một “sát thủ” thầm lặng khi đa số bệnh nhân bị mắc căn bệnh này lại thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. “Nhiều trường hợp lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời của họ, do đã bị xuất huyết não nặng nề…” – GS-TS Việt cho biết. Bên cạnh đó, có tới 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp là không rõ nguyên nhân.
Kiểm soát huyết áp, nhịp tim
Trước căn bệnh phổ biến và rất nguy hiểm trên, nhân dịp Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới năm nay (17-5), Liên đoàn Tăng huyết áp thế giới đã đưa ra chủ đề chính là “Kiểm soát tốt huyết áp, nhịp tim, tần số tim”.
GS-TS Nguyễn Lân Việt cho biết, để kiểm soát và ngăn chặn được các yếu tố nguy cơ của căn bệnh tăng huyết áp thì việc kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp, nhịp tim, tần số tim là rất quan trọng. Bởi lẽ, hiện nay nhận thức của người dân về sự thường gặp, về mức độ nguy hiểm của căn bệnh tăng huyết áp còn chưa đầy đủ và đúng mực. Trong số những người bị tăng huyết áp ở nước ta qua điều tra, có tới 52% không biết mình bị mắc bệnh, 30% số người biết bị bệnh nhưng không điều trị và có tới 64% số người biết bị tăng huyết áp đã được điều trị nhưng không đạt huyết áp mục tiêu.
GS-TS Nguyễn Lân Việt cho biết thêm, tăng huyết áp là bệnh không khó phát hiện bằng cách đo huyết áp thường xuyên. Hơn nữa, thường xuyên kiểm tra huyết áp cũng sẽ giúp tránh những tai biến do tăng huyết áp gây ra. Cùng với đó, hàng năm mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện những bất thường về tần số tim hay nhịp tim đơn giản.
Ở người bình thường, lúc nghỉ tần số tim hợp lý ở trong khoảng 60 - 80 lần/phút. Tuy nhiên khi nhịp tim quá chậm sẽ không đủ cung cấp máu cho các tạng trong cơ thể, đặc biệt là não và tim, có thể làm cho bệnh nhân hoa mắt, chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu. Nhịp tim quá nhanh cũng sẽ khiến chức năng tim sẽ bị suy giảm, làm xuất hiện các biểu hiện của suy tim.
Đặc biệt, vấn đề rất quan trọng trong phòng chống tăng huyết áp là mỗi người cần điều chỉnh bản thân để có lối sống hợp lý. Việc thay đổi những lối sống có hại sẽ là “vũ khí” hữu ích để chống lại “sát thủ” thầm lặng. Trong đó, mọi người cần chú ý thực hiện các biện pháp đơn giản sau: Không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều chất béo bão hòa; giảm cân nặng (nếu thừa cân); không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn); tập thể dục đều đặn hàng ngày; hạn chế uống rượu, bia; tránh lo âu, căng thẳng và nên kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác.
| |
MINH KHANG
*****
Huyết áp - những điều cần lưu ý
* Có nhiều người huyết áp khi đo luôn ở mức cao kể cả khi không vận động mạnh, khoảng trên 140mmHg nhưng trạng thái cơ thể rất bình thường, không có biểu hiện mệt mỏi hay bệnh tật. Với những trường hợp như vậy có phải bị cao huyết áp hay không, hay cơ địa của họ luôn là huyết áp cao?
* Bác sĩ PHẠM TRẦN LINH (Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai): Huyết áp bình thường khi nghỉ ngơi là dưới 140mmHg với huyết áp tối đa và dưới 90mmHg với huyết áp tối thiểu. Như vậy, với mức huyết áp thường xuyên trên 140mmHg được chẩn đoán là tăng huyết áp. Đối với nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp thường có các triệu chứng như đau đầu, nóng bừng mặt, đau ngực, khó thở…
Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân không có biểu hiện mệt mỏi hay triệu chứng gì cho đến khi bị biến chứng của tăng huyết áp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, lóc tách thành động mạch chủ… mới phát hiện được bệnh. Đến lúc này thì việc chẩn đoán quá muộn và cuộc sống của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
* Với những trường hợp như trên có cần thiết phải theo dõi huyết áp, điều trị hay sử dụng những loại thuốc để hạ huyết áp?
* Tất cả bệnh nhân tăng huyết áp cần phải được chẩn đoán và theo dõi chặt chẽ. Vấn đề điều trị có phải dùng thuốc hạ huyết áp hay không; điều trị trong thời gian bao lâu v.v…, tất cả còn phải tùy thuộc vào mức độ tăng huyết áp, nguyên nhân tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ (như: tuổi cao, hút thuốc lá, ăn mặn, lạm dụng rượu bia, lối sống ít vận động, stress, béo phì, tiểu đường…). Nói chung, phần lớn trường hợp bị tăng huyết áp nguyên phát đều cần phải dùng thuốc hạ huyết áp lâu dài và liên tục, kết hợp với lối sống lành mạnh, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao.
* Một số trường hợp khác lại bị huyết áp thấp nhưng cũng không có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí nhiều người còn chơi thể thao, vận động mạnh bình thường. Vậy điều này có ảnh hưởng, nguy hại gì tới sức khỏe không?
* Huyết áp được gọi là thấp khi huyết áp tối đa dưới 90mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg. Một số người có số đo huyết áp có thể dưới ngưỡng này nhưng không có triệu chứng gì, thậm chí vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Với những trường hợp này, không cần thiết phải điều trị bằng các loại thuốc nâng huyết áp. Tuy nhiên, một cuộc sống lành mạnh thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất là rất cần thiết để duy trì huyết áp ở mức độ bình thường.
TRỌNG KHÔI (ghi)