Tăng thông tin về tình hình biển Đông đến cộng đồng quốc tế

Tăng thông tin về tình hình biển Đông đến cộng đồng quốc tế

Ngày 12-6, hơn 70 đại biểu, trong đó có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Nam Phi; Đại sứ và Đại biện lâm thời, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, New Zealand, Mỹ, Nhật Bản, Cuba… cùng nhiều học giả, phóng viên báo chí và các doanh nghiệp Nam Phi đã tới tham dự Hội thảo về tình hình biển Đông do Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi tổ chức.

Cập nhật diễn biến mới

Đại sứ Lê Huy Hoàng phát biểu tại hội thảo đã cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình căng thẳng tại biển Đông, nhấn mạnh những hành động gây hấn của Trung Quốc trong hơn 1 tháng qua kể từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đặc biệt, Trung Quốc đã duy trì số lượng lớn bất thường các tàu vũ trang quân sự cùng máy bay hộ tống đến vị trí đặt giàn khoan trái phép; tiến hành những hành động uy hiếp, vây ép và thậm chí ngang nhiên đâm chìm tàu cá Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cập nhật diễn biến mới nhất về biển Đông.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cập nhật diễn biến mới nhất về biển Đông.

Đại sứ Lê Huy Hoàng nhấn mạnh thiện chí, chủ trương của Việt Nam kiên trì các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Nhân dịp này, Đại sứ Lê Huy Hoàng đã kêu gọi chính giới, học giả và các ngoại giao đoàn tại Nam Phi ủng hộ yêu cầu chính đáng của Việt Nam, lên tiếng phản đối hành động phi lý của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam; đồng thời chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.

Tận dụng các cơ chế, diễn đàn liên quan

Tại hội thảo, ông Hiroaki Fujiwara, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Nam Phi nhấn mạnh Nhật Bản ủng hộ các nước ASEAN, đề cao luật pháp quốc tế, yêu cầu các bên kiềm chế không sử dụng vũ lực, mong rằng Hội nghị cấp cao Đông Á năm tới sẽ mở rộng chương trình nghị sự để trao đổi về công ước Luật Biển. Đại biện sứ quán Philippines, ông Chad Jacinto, hoan nghênh Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức hội thảo để giúp chính giới, ngoại giao đoàn sở tại có những thông tin cập nhật về tình hình căng thẳng đang xảy ra tại biển Đông.

Nhiều học giả cũng đã tranh luận sôi nổi về các biện pháp xử lý tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian tới và cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng hơn nữa các cơ chế, diễn đàn liên quan như tại LHQ, Phong trào Không liên kết, Nhóm G-77… để tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Các đại biểu cũng trao đổi về khả năng áp dụng một số bài học thành công trong việc xử lý tranh chấp ở các khu vực thời gian qua. Nhà báo Kirtan Bhana thuộc tạp chí Diplomatic Society của Nam Phi nhận xét rằng hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức lần này là sự kiện hữu ích, giúp những người tham dự có dịp hiểu rõ hơn về những diễn biến căng thẳng hiện nay tại biển Đông.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Theo TTXVN ngày 13-6, người phát ngôn Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Tham tán chính trị Trần Văn Thông cho biết, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã có công hàm phúc đáp, sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia gửi công hàm thông báo về tình hình trên biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Công hàm phúc đáp của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã bày tỏ sự “lo ngại sâu sắc về những diễn biến và các sự cố gần đây” trên biển Đông. Công hàm nêu rõ với tư cách là nước khởi xướng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Campuchia đề cao tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trên biển Đông.

Công hàm nhấn mạnh Campuchia ủng hộ các bên liên quan thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC, bao gồm cả các yếu tố chính trị lẫn pháp lý, nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông, đồng thời bày tỏ tin tưởng các bên liên quan sẽ nỗ lực không mệt mỏi để đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Cùng ngày, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia cũng đã gửi công hàm phúc đáp công văn của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia với nội dung tương tự như trên.


>> Tàu Trung Quốc tìm mọi cách giăng bẫy tàu thực thi pháp luật của Việt Nam

>> Đại sứ Việt Nam tại LHQ trả lời báo chí quốc tế về giàn khoan Hải Dương-981

Tin cùng chuyên mục