Tăng tốc bào chế vaccine Covid-19

Ngay sau khi Nga công bố là nước đầu tiên chế tạo thành công vaccine Covid-19, hàng loạt nước cũng bắt đầu tăng tốc cuộc đua bào chế vaccine. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều nơi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước chung tay nghiên cứu vaccine theo chương trình do tổ chức này đứng đầu.   
 Đã có hơn 20 quốc gia đặt mua vaccine Sputnik V của Nga. Ảnh: REUTERS Đã có hơn 20 quốc gia đặt mua vaccine Sputnik V
Đã có hơn 20 quốc gia đặt mua vaccine Sputnik V của Nga. Ảnh: REUTERS Đã có hơn 20 quốc gia đặt mua vaccine Sputnik V

Mạnh ai nấy chạy

Điều đáng lo ngại là hiện nay một số nước giàu có hơn đã quyết định “chơi riêng” khi trực tiếp thỏa thuận với các hãng sản xuất dược phẩm để có được hàng triệu liều vaccine hứa hẹn cho công dân của nước mình. 

Tại Mỹ, một quan chức cấp cao Bộ Y tế, ông Paul Mango cho biết Washington đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào 6 dự án vaccine. Thương vụ mới nhất là cuối tháng 7 vừa qua, chính phủ nước này đã đạt được thỏa thuận trị giá 2,1 tỷ USD với hãng dược phẩm Sanofi của Pháp và GlaxoSmithKline (GSK) của Anh để thúc đẩy phát triển vaccine ngừa Covid-19. 

Sau khi đạt được thỏa thuận đặt trước với Sanofi và GSK 300 triệu liều khi vaccine ngừa Covid-19 ra đời, Liên minh châu Âu (EU), ngày 13-8, đã đặt mua 400 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng đang được tập đoàn Johnson & Johnson của Mỹ phát triển. Anh cũng thông báo đã đặt trước với Sanofi và GSK 60 triệu liều vaccine cùng loại. Tại Đức, Công ty Công nghệ sinh học BioNTech (Đức) hiện đang hợp tác với “đại gia” dược phẩm Pfizer để phát triển, thử nghiệm và sản xuất vaccine phòng Covid-19, chắc chắn có trong năm sau.  

Cuộc chạy đua không chỉ diễn ra quyết liệt giữa các cường quốc. Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này dành khoản ngân sách trị giá 5.000 tỷ rupiah (khoảng 339 triệu USD) trong năm nay để sản xuất vaccine Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng. Hiện các công ty của Indonesia và Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine nói trên. Dự kiến, Indonesia sẽ bắt đầu sản xuất vaccine vào tháng 10 tới. Hàn Quốc cho biết trong năm nay sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 “ứng cử viên” vaccine. 1 loại vaccine là của SK Bioscience của công ty dược phẩm thuộc Tập đoàn SK, trong khi 2 vaccine còn lại là của Công ty Genexine và GeneOne Life Science. Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard, ngày 13-8, thông báo nước này sẽ bắt đầu sản xuất vaccine vào tháng 11 tới theo một thỏa thuận với Chính phủ Argentina, Công ty Dược phẩm AstraZeneca, Đại học Oxford của Anh và Quỹ Carlos Slim.
 
WHO kêu gọi hợp tác

Trước thực trạng mạnh nước nào có khả năng nước ấy tự bào chế vaccine, hoặc liên kết với nước khác, các tổ chức khác... WHO, ngày 13-8, đã kêu gọi các nước đầu tư hàng tỷ USD vào Chương trình ACT-Accelerator do WHO đứng đầu, nhằm chia sẻ nghiên cứu và phát triển, sản xuất và mua bán trên quy mô toàn cầu vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. 

WHO nhấn mạnh việc nghiên cứu là sự đầu tư “thông minh” vì khoản chi này là không đáng kể so với con số hàng ngàn tỷ USD phải chi để giải quyết những hậu quả của đại dịch. Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rằng đại dịch sẽ gây thiệt hại 12.000 tỷ USD trong 2 năm, ông kêu gọi các nước đầu tư để cùng tìm giải pháp chung. Chương trình này dự kiến cần 31,3 tỷ USD. Ông Ghebreyesus khẳng định đầu tư cho Chương trình ACT-Accelerator tốn rất ít chi phí so với những phương án khác, trong đó có lựa chọn của một số nước hiện nay là một mình đầu tư vào một trong số hàng chục loại vaccine đang được bào chế. Theo ông, “bào chế vaccine là công việc lâu dài, phức tạp, nhiều rủi ro và tốn kém”.

WHO cho biết đến nay vẫn chưa có bằng chứng về việc virus SARS-CoV-2 lây qua thực phẩm, vì vậy mọi người không nên hoang mang lo sợ về việc đóng gói thực phẩm, thực phẩm đã được chế biến hoặc vận chuyển thực phẩm... Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, Maria Van Kerkhove nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã thử nghiệm vài trăm ngàn mẫu bao bì và cho đến nay đã phát hiện được rất ít, chưa đến 10 mẫu dương tính. Trước đó, các nhà chức trách ở thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc cho biết đã phát hiện thấy virus SARS-CoV-2 trên một mẫu cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil.

Tin cùng chuyên mục