Tăng tốc các dự án giao thông kết nối

Từ đầu năm 2023, tỉnh Bình Dương đã khởi công và chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án giao thông trọng điểm nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên vùng với TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước; từng bước hiện đại hóa hệ thống hạ tầng đang là điểm nghẽn của tỉnh. Hiện tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp tăng tốc thực hiện các dự án, vừa góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công vừa sớm đưa các công trình đi vào sử dụng.
Đường vành đai 4 TPHCM đã có bảng chỉ dẫn hướng tuyến ở nhiều vị trí
Đường vành đai 4 TPHCM đã có bảng chỉ dẫn hướng tuyến ở nhiều vị trí

Vướng mặt bằng

Tỉnh Bình Dương đang cùng lúc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, vốn đầu tư lớn, trải dài qua nhiều địa bàn, nên trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn mà một ngành, một địa bàn không thể xử lý, trong đó vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dời hạ tầng kỹ thuật như điện, nước...

Tiêu biểu phải kể đến là dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đi qua 3 địa bàn của tỉnh nhằm kết nối giao thông với huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), là tuyến đường có vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ, tạo kết nối giao thông liền mạch, thông suốt từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước với các tỉnh Tây Nguyên, nhưng nhiều đoạn đang thi công khá ì ạch do vướng mặt bằng. Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, đến đầu tháng 9-2023, dự án đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng do UBND huyện Phú Giáo làm chủ đầu tư (chiều dài hơn 17km) cũng chậm tiến độ thi công, mới đạt khoảng 76,8%. Hiện huyện Phú Giáo đã bàn giao mặt bằng khoảng 92%, còn một số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường nên khó hoàn thành vào tháng 12-2023.

Phối cảnh nút giao Bình Chuẩn thuộc dự án đường Vành đai 3 qua Bình Dương. Ảnh: VĂN PHONG
Phối cảnh nút giao Bình Chuẩn thuộc dự án đường Vành đai 3 qua Bình Dương. Ảnh: VĂN PHONG

Ở một số dự án hạ tầng trọng điểm khác, tình trạng cũng tương tự khi công tác GPMB mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án như: dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 còn vướng GPMB đoạn từ cầu Ông Bố đến cầu Vĩnh Bình (đoạn từ ngã tư Tự Do đến cầu Ông Bố bàn giao mặt bằng khoảng 21,8%, đoạn từ cầu Ông Bố đến cầu Vĩnh Bình bàn giao mặt bằng khoảng 3,5%); dự án xây dựng đường dẫn vào cầu Bạch Đằng 2 nối với tỉnh Đồng Nai hiện mới thực hiện chi trả bồi thường GPMB với số tiền 88 tỷ đồng trong tổng số 224,718 tỷ đồng (đạt 39%) dù dự án đã khởi công từ tháng 12-2021.

Chuyển động đồng bộ

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, lãnh đạo tỉnh Bình Dương yêu cầu có sự chuyển động đồng bộ ở các ngành và chính quyền các địa phương nơi có dự án đi qua; trong đó, công tác GPMB cần quyết liệt hơn nữa, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận trong việc đền bù GPMB, nhất là vận dụng tối đa chính sách theo quy định để hỗ trợ người dân trong diện thu hồi đất, bảo đảm sau khi đền bù giải tỏa người dân phải có mức sống bằng hoặc tốt hơn trước. Đối với các khó khăn trong di dời hệ thống hạ tầng điện, nước, cáp viễn thông trên các tuyến đang thi công, hiện tỉnh đã thành lập tổ rà soát và tùy vào hiện trạng pháp lý của từng dự án để đề xuất giải pháp tháo gỡ dứt điểm, trong đó có việc tạm ứng ngân sách để triển khai thực hiện.

Các phương tiện thi công tại Lễ động thổ đường Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương. Ảnh: VĂN PHONG
Các phương tiện thi công tại Lễ động thổ đường Vành đai 3 TPHCM qua Bình Dương. Ảnh: VĂN PHONG

UBND tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai xây dựng và chuẩn bị nguồn lực đầu tư hàng loạt dự án khác, có quy mô lớn hơn như: đường Vành đai 3 - TPHCM, đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành và Vành đai 4 - TPHCM (vừa được tổ chức công bố chủ trương đầu tư với tổng chiều dài khoảng 47,85km, vận tốc thiết kế 100km/giờ, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án hơn 18.247 tỷ đồng).

Ngoài ra, Sở GTVT tỉnh Bình Dương cũng đang thực hiện dự án đường ven sông Sài Gòn, đoạn từ rạch Bảy Tra đến rạch Bà Lụa (dài khoảng 2,2km); UBND TP Thủ Dầu Một đã hoàn thiện báo cáo đề xuất, trình Sở KH-ĐT tỉnh thẩm định dự án đoạn từ đường Gia Long đến đường Vĩnh Phú 40 (dài khoảng 1,84km); đoạn từ rạch Bình Nhâm đến giáp cảng An Sơn (dài khoảng 2,23km), đoạn từ rạch Bà Lụa đến cảng An Sơn (khoảng 3km) cũng đang được chính quyền địa phương triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án và khi hoàn thành sẽ trở thành tuyến kết nối với TPHCM theo hành lang ven sông Sài Gòn, giúp đẩy mạnh khai thác lợi thế du lịch đường sông của tỉnh.

Đường DH 411 qua huyện Bắc Tân Uyên được đầu tư hiện đại, giúp kết nối gần hơn với tỉnh Bình Phước. Ảnh: VĂN PHONG
Đường DH 411 qua huyện Bắc Tân Uyên được đầu tư hiện đại, giúp kết nối gần hơn với tỉnh Bình Phước. Ảnh: VĂN PHONG

Trong chuyến thị sát một số công trình giao thông trọng điểm vào đầu tháng 9-2023, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ngành, huyện, thị, thành phố trong thực hiện các dự án giao thông trọng điểm và đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ đền bù GPMB, rà soát các thủ tục hành chính, chính sách liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án; tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân đồng thuận trong công tác đền bù GPMB trên cơ sở thực hiện tốt chính sách tái định cư cho người dân.

Tin cùng chuyên mục