Tăng tốc các dự án ven biển miền Trung

Năm 2023, nhằm khắc phục tình trạng giải ngân chậm, ảnh hưởng tiến độ thi công, lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư các công trình trên địa bàn.
Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An tại thôn Thái Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, TP Huế) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: VĂN THẮNG
Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An tại thôn Thái Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, TP Huế) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: VĂN THẮNG

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết: “Không phải khi hoàn thành, mà ngay từ khi bắt tay vào triển khai, các dự án đã, đang và sẽ tạo ra động lực, sự thu hút rất lớn cho TP Đà Nẵng. Việc hoàn thành đúng tiến độ sẽ góp phần giải ngân vốn đầu tư công, giúp TP Đà Nẵng tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội”.

Tại dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), sau khi hoàn thiện hồ sơ bàn giao khu vực biển, thuê mặt bằng điều hành, thi công, những ngày này, xe tải nối đuôi nhau chở đá tảng vào khu vực công trình. Cách đó không xa, xe cơ giới không ngừng hoạt động để tạo mặt bằng khu vực bờ kè. Theo kế hoạch, năm 2023, dự án hoàn thành ít nhất 25% giá trị xây lắp của hợp đồng, tương ứng với giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành là 658 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Tống Thanh Phúc, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, trước yêu cầu về chất lượng và tiến độ của dự án, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị tổ chức thi công, chia ca kíp. Khu vực này sát biển có gió rất mạnh nên khi có mưa lớn, công nhân cùng máy thi công phải tạm dừng để đảm bảo an toàn. Nhưng khó nhất là nguồn đá, do các mỏ miền Trung có trữ lượng thấp. Hiện đơn vị làm việc với các mỏ, lãnh đạo các địa phương để bổ sung trữ lượng, đảm bảo nguồn cung cho dự án.

Trên công trường tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An tại thôn Thái Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, TP Huế) sóng biển đánh trực diện cộng mưa rét kéo dài, nhưng các đơn vị thi công vẫn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Hiện các đơn vị đã tiến hành thí nghiệm chuyên ngành về chất lượng công trình, trong đó nhà thầu thi công cơ bản xong các cọc khoan nhồi trụ và các thân trụ, dầm super T; tổ chức thi công cọc khoan nhồi, đổ bê tông thân trụ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh cho biết, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng, được khởi công vào cuối tháng 3-2022, dự kiến thực hiện 3 năm với quy mô tuyến đường 7.785m, từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa Thuận An, kết thúc tại nút giao quốc lộ 49A - 49B thuộc thị trấn Thuận An; cầu qua cửa Thuận An dài 2.360,6m, rộng 20m. “Do tầm quan trọng của dự án nên ngay từ đầu, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung nguồn lực, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn; thường xuyên kiểm tra giám sát để kịp thời tháo gỡ công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho dự án thi công đúng kế hoạch”, ông Minh cho biết.

Tại Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vừa ra kết luận yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương và nhà đầu tư là Công ty CP Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công dự án khu bến cảng Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Dự án có tổng vốn 14.200 tỷ đồng, quy mô 10 bến với diện tích 685ha, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2018-2025, đầu tư 4 bến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026-2031 đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng; và giai đoạn 3 từ năm 2032-2036 đầu tư 3 bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng 

Tin cùng chuyên mục