Tạo khác biệt để giữ chân khách hàng

Làm mới chương trình khuyến mãi, mang đến cho khách hàng nhiều giá trị cộng thêm… là cách mà doanh nghiệp bán lẻ đã và đang thực hiện để tạo sự khác biệt, giữ chân khách hàng.

Những con số trái ngược

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 1.594,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá tăng thì chỉ đạt mức tăng 4,4% so với cùng kỳ.

XHH 8A.jpg
Khách hàng tìm mua sản phẩm khuyến mãi tại một siêu thị Co.opmart

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), nhận định, trên phương diện chung, thị trường bán lẻ vẫn duy trì khá tốt, song mức tăng trưởng của ngành có xu hướng chậm lại.

“Ngành bán lẻ tăng trưởng chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố quan trọng nhất chính là nhu cầu của người tiêu dùng (NTD). Hiện nhu cầu NTD đang giảm do ảnh hưởng từ thu nhập, công ăn việc làm. Do vậy các nhà bán lẻ phải thực hiện nhiều phương cách để có thể kích cầu tiêu dùng”, ông Đức nói.

Trong khi doanh thu bán lẻ hàng hóa ghi nhận tăng trưởng không mấy tích cực thì mua sắm qua thương mại điện tử lại vượt xa kỳ vọng. Cụ thể, chỉ tính trên 5 sàn thương mại điện tử gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok shop đã đạt tổng doanh thu 71.200 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream), tăng 78,69% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Metric, nền tảng số liệu về thương mại điện tử, mức tăng trưởng vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo từ cuối năm 2023, mức tăng trưởng cả năm 2024 so với 2023 sẽ ở mức 35%.

Tìm cách giữ khách hàng

Bối cảnh nói trên đặt các nhà bán lẻ vào thế phải thay đổi để tồn tại. Theo ông Nguyễn Anh Đức, hiện nay, NTD không chỉ muốn mua sản phẩm mà muốn kết hợp dịch vụ hoàn hảo hơn. Những hàng hóa khi cung ứng ra thị trường, NTD luôn đặt câu hỏi có những dịch vụ gì kèm theo, nghĩa là doanh nghiệp cần cung cấp cho khách hàng nhiều tiện ích, nhiều quyền lợi hơn…

Ghi nhận thực tế trên thị trường, bên cạnh nỗ lực cung cấp sản phẩm an toàn, giá cạnh tranh, các nhà bán lẻ đang chạy đua tạo ra các giá trị mới, tăng trải nghiệm cho khách hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng thay đổi và ảnh hưởng do kinh tế khó khăn… Theo đó, nhiều nhà bán lẻ đang nỗ lực bình ổn giá, chia sẻ khó khăn với NTD bằng việc đưa ra những chiến lược sản phẩm phù hợp với sự phát triển của thị trường cũng như nhu cầu khách hàng. Cùng với đó là việc mở thêm điểm kinh doanh mới, đa dạng hóa kênh bán hàng như bán trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị… và bán hàng trực tuyến. Nhà bán lẻ còn phải đi trước một bước, phải dự đoán nhu cầu của khách hàng để đưa ra sự điều chỉnh, cải tiến kịp thời.

Ngoài ra, việc đưa vào nhiều sản phẩm kinh doanh độc quyền, hàng nhãn riêng… cũng là cách mà các nhà bán lẻ thực hiện để tạo sự khác biệt và thu hút khách hàng đến mua sắm. Bên cạnh những giải pháp nói trên, việc thực hiện khuyến mãi, giảm giá là cách làm phổ biến nhất được các nhà bán lẻ áp dụng, ghi nhận những kết quả tích cực.

Là doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam, thời gian qua, Saigon Co.op đã liên tục thực hiện chiến lược kinh doanh sản phẩm độc quyền, hàng nhãn riêng để thu hút khách. Có thể kể đến việc bổ sung lên kệ các hệ thống siêu thị gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife… 2 sản phẩm mới lạ là cá tra dầu và bí mì sợi vào cuối năm 2023.

Ngoài 2 sản phẩm này, Saigon Co.op cũng liên tục tìm kiếm sản phẩm độc, lạ như rau rừng, bánh tráng, dế sấy, mãng cầu Bà Đen, mật ong nghệ... của các doanh nghiệp, hợp tác xã ở các địa phương, đưa lên kệ 800 siêu thị trên toàn quốc. Qua đó tạo nguồn hàng đa dạng, phong phú để thu hút NTD, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất có đầu ra ổn định.

Đối với hoạt động khuyến mãi, Saigon Co.op cho biết, nhà bán lẻ này luân phiên thực hiện nhiều đợt khuyến mãi đậm từ đầu năm đến nay, trong đó gần nhất là dịp 30-4 và 1-5. Kỳ nghỉ lễ 5 ngày vừa qua, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã ghi nhận lượng khách tăng khoảng 20% so với ngày thường, đặc biệt giá trị giỏ hàng tăng khoảng 40%. Đáng chú ý, để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… huy động tối đa đội ngũ nhân viên giao hàng để không tồn đọng bất kỳ đơn nào trong ngày. Hệ thống Co.opmart cũng tổ chức những chuyến bán hàng lưu động trong dịp này để khách hàng hạn chế tối đa việc di chuyển tránh thời tiết nắng nóng bất thường.

Tin cùng chuyên mục