Ngày 30-3, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3-2011 để đánh giá kinh tế - xã hội trong tháng và quý 1-2011, tình hình triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ở các bộ, ngành, địa phương, về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Chiều tối cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo.
Có thể giảm tín dụng đầu tư trên 50.000 tỷ đồng
Thông tin tại phiên họp cho thấy, tốc độ tăng GDP quý 1-2011 ước đạt 5,43%; trong đó sản xuất công nghiệp tăng 14,2%, nông nghiệp tăng 3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1-2011 tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%).
Bộ KH-ĐT cho hay, với việc thực hiện chủ trương không ứng trước vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, giảm tín dụng đầu tư dự kiến sẽ trên 50.000 tỷ đồng.
Về chính sách tiền tệ, NHNN đang khẩn trương soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt đối với những hành vi mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do, chấn chỉnh hoạt động của các đại lý thu đổi ngoại tệ.
Đồng thời, dự thảo quy định cá nhân có thể mua bán ngoại tệ tiền mặt, kiều hối với tỷ giá hợp lý thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và đang hoàn chỉnh dự thảo nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sớm trình Chính phủ xem xét, quyết định. Đặc biệt, thời gian qua, lực lượng công an phối hợp với các ngành chức năng rà soát tất cả các điểm thu đổi ngoại tệ trái phép, các cửa hiệu kinh doanh vàng không phép, xử lý hành chính nhiều trường hợp để răn đe, giáo dục phòng ngừa vi phạm. Nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp quản lý nên đã đem lại kết quả bước đầu.
Sẽ hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định, trước áp lực giá cả tăng cao, các thành viên Chính phủ nhất trí cao chủ trương sẽ triển khai trợ cấp khó khăn đột xuất cho người thu nhập thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong thời gian tới, Chính phủ dự kiến hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương ngạch bậc từ 3.0 trở xuống; người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội mức thấp từ 2,19 triệu đồng/tháng trở xuống; người có công với cách mạng, đối tượng hưởng trợ cấp tuất, hộ nghèo; đồng thời giãn 1 năm thời gian nộp thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Tổng số hỗ trợ người có thu nhập thấp, hộ nghèo lên tới 3.100 tỷ đồng. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong khi ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải chú ý duy trì tăng trưởng sản xuất ở mức hợp lý. Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ song cần chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu cho vay theo hướng tập trung, ưu tiên vốn tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa... từng bước giảm lãi suất cho vay.
Thủ tướng cũng nhắc lại, kiên quyết xóa bỏ kinh doanh ngoại tệ trái phép. Thực hiện mua bán, thu đổi ngoại tệ qua ngân hàng, mở thêm nhiều điểm thu đổi ngoại tệ tại các sân bay, cửa khẩu, khu du lịch, khách sạn. NHNN khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp khắc phục tình trạng đô la hóa một cách toàn diện, đồng bộ. “Nhà nước tôn trọng quyền sở hữu vàng của người dân, song kiên quyết xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”, người đứng đầu Chính phủ cho biết.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; kiên quyết rà soát, cắt giảm đầu tư công, các công trình chưa cấp bách, kém hiệu quả. Đảm bảo điện cho sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, ngăn chặn tình trạng phao tin, tăng giá, thổi phồng lợi nhuận, tạo làn sóng đầu cơ mới, dẫn đến thu hút nhiều nguồn vốn trong dân và các doanh nghiệp vào lĩnh vực không khuyến khích sản xuất, kinh doanh, đồng thời gây khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư. Giảm nhập các mặt hàng xa xỉ, như điện thoại di động, ô tô đắt tiền…
Giải thích về đợt tăng giá xăng dầu lần này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, đây là điều chỉnh bất khả kháng. Từ đợt tăng giá ngày 24-2 đến nay, giá thế giới đã tăng từ 12% – 17%, gây khó khăn cho doanh nghiệp nên nhà nước điều chỉnh. Cũng theo ông Thỏa, nếu tính đủ chi phí như bình thường đáng lý phải điều chỉnh cao hơn nữa. Mức điều chỉnh cũng mới chỉ đạt hơn 40% yêu cầu và vẫn còn thấp hơn giá xăng dầu bán lẻ ở nhiều nước xung quanh từ 3.000 – 5.000 đồng/lít. |
Lâm Nguyên