Sáng 20-5, Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh thành ĐBSCL lần 2-2022 đã diễn ra tại Đồng Tháp, với sự tham dự của đại diện Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo UBND TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, cùng nhiều đơn vị du lịch.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), vùng ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc; từ biển đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới. Những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú nổi trội mang đặc trưng riêng, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên một nền văn hóa ĐBSCL đa bản sắc, đậm chất phương Đông vừa kín đáo vừa dung dị.
Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện, động lực cho phát triển du lịch. Hội nhập quốc tế giúp gắn kết du lịch vùng ĐBSCL và TPHCM với các vùng, quốc gia với nhau. Khi du lịch của ĐBSCL và TPHCM phát triển sẽ tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Hơn nữa, du lịch còn làm cho các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, con người được giới thiệu đến khắp nơi trên thế giới, là cầu nối tình hữu nghị, hợp tác thân thiện giữa các vùng, quốc gia.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận, diễn đàn này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển du lịch năm 2022. Hiện Bộ VH-TT-DL phối hợp cùng Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình phát triển du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới và ĐBSCL có thế mạnh về lĩnh vực này. Trong phát triển du lịch nông nghiệp, các tỉnh ĐBSCL cần khai thác lợi thế về lúa gạo, trái cây, thủy sản; đồng thời kết nối chặt với TPHCM, phát huy vai trò dẫn dắt của TPHCM nhằm hỗ trợ du lịch ĐBSCL phát triển, nhất là du lịch nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch có nhiều thay đổi. Theo đó, du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch trải nghiệm gắn với tìm hiểu thiên nhiên, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương… đang trở thành những xu hướng chủ đạo. Đây cũng là cơ hội để TPHCM và các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất các địa phương ĐBSCL tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ để rút ngắn thời gian di chuyển; chú trọng đầu tư các trạm dừng chân đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nhằm tạo động lực để doanh nghiệp hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng, kết hợp quảng bá sản phẩm và đặc sản nông nghiệp của địa phương. Có chính sách kích cầu đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định. Cần xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo, chất lượng cao…
Đối với phát triển du lịch nông nghiệp cần theo hướng có trách nhiệm, gắn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng thương hiệu cho từng địa phương, cũng như thương hiệu chung của cả vùng...
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, với mong muốn phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững; đồng thời triển khai thực hiện thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL, tới đây cần tập trung thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nội dung trong chương trình liên kết. Phía TPHCM sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025; qua đó hỗ trợ các địa phương xây dựng, phát triển và tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm cho hệ thống phân phối của TPHCM…