12 dự án cần đầu tư
Cụ thể, UBND TPHCM đề xuất 12 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, với tổng nhu cầu vốn dự kiến khoảng 45.161 tỷ đồng. Trong đó, có 4 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 5.536 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương do địa phương quản lý. Đó là dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ (giai đoạn 2); dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh TPHCM (SECO); dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM và dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương.
8 dự án còn lại có tổng số vốn 39.625 tỷ đồng từ ngân sách trung ương do Bộ GTVT quản lý. Đó là dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường Vành đai 3 với 4 dự án thành phần (gồm: dự án thành phần 2A từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến tỉnh lộ 25B; dự án thành phần 2B từ nút giao Lê Văn Việt, quận 9, TPHCM đến điểm nối vào đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương; đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22; đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức); 2 nút giao trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm; dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) và dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL. TPHCM cũng dự kiến danh mục nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố và đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) có tính chất liên vùng, hoặc kết nối với các tỉnh lân cận. Danh mục này gồm 9 dự án với tổng nhu cầu vốn dự kiến 38.000 tỷ đồng, trong đó có dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài với chiều dài 53,5km, quy mô 4 làn xe; dự án đường song song quốc lộ 50 (kết nối TPHCM với tỉnh Long An) với tổng chiều dài 6,8km, quy mô 6 làn xe.
Bên cạnh đó là các dự án xây dựng đường nối từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao thông Bình Thái với chiều dài 3,82km, quy mô 6 làn xe; dự án xây dựng đường nối từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng; dự án xây dựng đường nối từ nút giao An Lập (quốc lộ 1) đến đường Nguyễn Văn Linh; dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh tỉnh Long An); dự án mở rộng quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); dự án nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn qua TPHCM) và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu).
Khởi động các dự án trọng điểm
Tại cuộc họp bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch Covid -19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với các dự án hạ tầng giao thông.
Trên tinh thần này, UBND TPHCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công cho các dự án cụ thể. UBND TPHCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh). Sở GTVT được giao làm việc với Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng để xem xét các dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, dự án xây dựng nút giao An Phú (giai đoạn 1) và xây dựng đường Vành đai 3.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho biết, hiện đã trình HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước. Quốc lộ 13 là trục đường chính kết nối trung tâm TPHCM với Bình Dương, khu vực Tây Nguyên. Tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân trong khu vực. Nhiều năm qua, người dân TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành lân cận đều kỳ vọng dự án mở rộng quốc lộ 13 sớm được khởi công. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn còn đang nằm trên giấy.
Thời gian tới TPHCM sẽ đẩy mạnh thực hiện dự án đầu tư công, đặc biệt là những dự án kết nối liên vùng. Trong đó, các dự án được ưu tiên như mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; xây dựng cầu Bình Triệu 2; xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật)… |