Việc lựa chọn nguồn cung năng lượng thay thế đang ngày càng trở nên cấp thiết với châu Âu. Ngoài kế hoạch tìm kiếm những nguồn cung mới ngoài khu vực, việc chọn nguồn cung tại lục địa già đang được xem là biện pháp khả thi. Tây Ban Nha có lợi thế hơn các nước trong khu vực vì sở hữu 6 nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) - mặt hàng mà nhiều nước châu Âu khao khát, trong khi nhà máy thứ bảy đang được xây dựng. Nước này có thể xử lý gần 40% lượng khí LNG nhập vào châu Âu, biến đổi chúng thành khí đốt cung cấp cho hộ gia đình và các doanh nghiệp. Ông Claudio Rodriguez, Giám đốc phụ trách cơ sở hạ tầng của Tập đoàn năng lượng Enagas, cho biết: “Chúng tôi có hệ thống hạ tầng LNG vào loại sớm nhất ở châu Âu. Việc này giúp chúng tôi có thêm sự linh hoạt về nguồn cung năng lượng so với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào đường ống nhập khẩu”.
Ngoài LNG, Tây Ban Nha cũng có lợi thế về nguồn cung năng lượng, khi nước này đã và đang thúc đẩy nhiều nguồn năng lượng sạch khác như thủy điện, điện gió, pin mặt trời. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha đang tìm cách tăng cường liên kết các nhà cung cấp nguyên liệu thô tại Trung Đông - Bắc Phi. Tây Ban Nha sản xuất 21% tổng năng lượng tiêu thụ từ các nguồn tái tạo, và do đó hiện không gặp rắc rối nào về nguồn cung. Chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu giảm giá năng lượng để giảm bớt gánh nặng cho người dân trong thời gian tới. Theo dự báo, vào năm 2025, khi các công viên năng lượng mặt trời và gió hoạt động tối đa công suất, Tây Ban Nha có thể đạt được mức giá 50 EUR (54,4 USD) cho một megawatt điện, trong khi Đức và Pháp sẽ phải trả từ 60-70 EUR (65-76 USD).Theo giới chuyên gia kinh tế, đây chính là những ưu điểm để Tây Ban Nha trở thành một siêu cường năng lượng châu Âu trong tương lai.
Để chuyển đổi xanh nền kinh tế của mình, Tây Ban Nha muốn sử dụng 140 tỷ EUR (154 tỷ USD) từ Quỹ Thế hệ tiếp theo của Liên minh châu Âu. Điều này liên quan đến sản xuất hydro xanh (hydro là loại khí có nhiệt cháy cao nhất trong các loại nhiên liệu trong thiên nhiên, được sử dụng làm nhiên liệu phóng các tàu vũ trụ). Đề xuất này đã được Ủy ban châu Âu bật đèn xanh.
Trong những chuyến công du đến Madrid, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch hồi sinh dự án MidCat Pipeline (Midi Catalonia), một hệ thống dẫn khí đốt giữa Tây Ban Nha và Pháp. Sau khi xây dựng được 80km đường ống trên lãnh thổ Tây Ban Nha, hoạt động thi công dự án bị dừng lại vào năm 2019. Nếu hoàn thành, đường ống sẽ có công suất 7,5 tỷ mét khối khí đốt. Việc hồi sinh MidCat Pipeline phần nào có thể giải quyết được tình trạng khát năng lượng tại châu Âu trong thời gian tới. Giới chức Liên minh châu Âu và Tây Ban Nha cũng đang đàm phán một cơ chế ưu tiên để nước này vừa đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn giá cả tăng cao, vừa có thể chia sẻ nguồn cung khí đốt từ LNG cho các nước láng giềng, phục vụ mục tiêu an ninh năng lượng của khối.