Telefilm 2018 - Xu hướng quốc tế hóa

Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình (Telefilm 2018) lần thứ 6 đã chính thức trở lại. Sự kiện sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 7 đến 9-6 tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn SECC (quận 7, TPHCM), một lần nữa đặt ra những vấn đề mang tính thời sự của ngành sản xuất phim và công nghệ truyền hình.
Telefilm - ngày hội của những người làm nghề với nhiều cơ hội mở
Telefilm - ngày hội của những người làm nghề với nhiều cơ hội mở
“Năm nay tăng 30% các đơn vị nước ngoài tham gia Telefilm. Trong số đó, có hơn 50% các đơn vị đã đồng hành qua các kỳ tổ chức trước đây. Đặc biệt, rất nhiều hãng lớn đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nhận lời”, bà Hà Thị Phương Lâm, Chủ tịch Công ty CP Adpex - đơn vị phối hợp tổ chức Telefilm cho biết. Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện nói thêm: “Telefilm ngày càng khẳng định được uy tín bởi có nhiều đơn vị nước ngoài tham gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là thị trường trẻ, năng động và cập nhật các xu hướng công nghệ phim, truyền hình rất nhanh”.

Theo ban tổ chức, tính đến thời điểm này, đã có hơn 150 đơn vị tham gia Telefilm 2018 và dự kiến có sự góp mặt của hơn 3.000 chuyên gia trong nước, quốc tế. Bên cạnh các tên tuổi của ngành truyền thông và truyền hình của Việt Nam, sẽ có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ dự Telefilm 2018. Telefilm năm nay đặc biệt còn có sự góp mặt của Vương quốc Anh - một trong những cường quốc điện ảnh; Philippines - quốc gia đang phát triển mạnh mẽ với phim truyện truyền hình cùng dàn diễn viên nổi tiếng rộng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Bà Phương Lâm cho biết: “Trước khi sự kiện được tổ chức, chúng tôi đã có các diễn đàn giao lưu, tìm hiểu đơn vị nước ngoài, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Do đó, khi vào triển lãm, mọi kế hoạch đều đã được chu toàn, mở ra rất nhiều cơ hội cho các đơn vị Việt Nam”. Theo ông Thành Lương, việc tổ chức Telefilm đã là hoạt động hỗ trợ thiết thực đối với các đơn vị sản xuất phim và truyền hình Việt Nam. Một trong những thành công lớn nhất qua các kỳ tổ chức Telefilm đó là giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, giúp việc tiếp cận các đối tác nước ngoài trở nên dễ dàng hơn, từ đó tạo nên sức hút và những thuận lợi khi các đơn vị trong nước trao đổi, mua bán bản quyền phim và các chương trình truyền hình.  

Những người hoạt động trong lĩnh vực truyền hình hiện đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp số. Bản thân các đài truyền hình từ trung ương cho đến địa phương, các đơn vị sản xuất, đã và đang phải cập nhật, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Đó là lý do tại Telefilm năm nay, hội thảo “OTT (Over The Top - giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng internet) - Tương lai của truyền hình” sẽ đặt ra những vấn đề nóng hổi cùng sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Những nghiên cứu thị trường OTT Việt Nam được thực hiện bởi các đơn vị nước ngoài, OTT gắn với xu hướng cá nhân hóa, xu hướng xem tivi chủ động, sự dịch chuyển của quảng cáo truyền thống sang OTT… đều là những vấn đề đang nhận được sự quan tâm của hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phim và truyền hình. 

Một vấn đề thời sự khác cũng không thể không nhắc đến tại Telefilm đó là câu chuyện bản quyền và mua bán bản quyền. Theo ông Thành Lương, khi công nghệ phát triển luôn cần có sự song hành của quản lý về mặt nhà nước, bởi vấn đề bản quyền là quan tâm của bất cứ đơn vị nào. Hiện nay, phim và các chương trình truyền hình không chỉ đơn thuần phát trên tivi truyền thống mà có nhiều nền tảng khác nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau. Cơ hội là điều rõ ràng nhưng vấn đề bảo vệ bản quyền đó sẽ được thực hiện như thế nào là thách thức không hề nhỏ.

Tin cùng chuyên mục