Thả nổi mua bán dữ liệu thí sinh

Sau khi kết thúc đăng ký hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) năm 2020, hiện tình trạng mua bán dữ liệu của thí sinh (thông tin họ tên, địa chỉ, email, số điện thoại...) lại trở nên sôi động.

Giá nào cũng được!

Từ trường cao đẳng (CĐ) cho đến các trường ĐH tư và cả trường công lập (những trường tuyển sinh khó khăn) đều đang vung tiền mua dữ liệu thí sinh để phục vụ công tác tuyển sinh.

Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM
Anh N.T.T., cán bộ tuyển sinh một trường ĐH tư chia sẻ: “Việc mua bán dữ liệu của thí sinh ngay khi kết thúc làm hồ sơ đăng ký dự thi (30-6) là không đúng quy chế nhưng thực tế năm nào cũng diễn ra. Trước kia thì các trường nhỏ (thường là trường không tổ chức thi) mua dữ liệu thí sinh đăng ký thi vào các trường ĐH lớn. Họ chỉ lọc ra, bán dữ liệu thí sinh đạt từ dưới mức điểm sàn xét tuyển của trường trở xuống. Còn từ 2015 đến nay, chúng tôi phải mua dữ liệu từ các sở GD-ĐT. Có sở thân quen thì trả bằng tiền… “cà phê”, có sở thì giá vài ba triệu đến cả chục triệu đồng nhưng phải có mối giới thiệu”.


Việc mua bán dữ liệu thí sinh không chỉ một địa phương mà phải từ nhiều tỉnh thành, do đó, có trường phải chi từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Và dù tốn kém nhưng ban giám hiệu, hội đồng tuyển sinh vẫn duyệt chi, miễn sao tuyển sinh tốt là được.

Một cán bộ tuyển sinh của trường ĐH tại TPHCM cho biết, do không phải nhóm trường hót, trường tốp đầu nên năm nào cũng phải đi xin và mua dữ liệu để phục vụ tuyển sinh. Dữ liệu được mua có rất nhiều dạng, như có sở thì bán đầy đủ thông tin từ thi tốt nghiệp đến xét tuyển ĐH, có sở chỉ đưa thông tin đăng ký thi tốt nghiệp. Tuy nhiên dù ở dạng nào thì các trường cũng có thể khai thác được. Trên cơ sở đó, các trường sẽ tìm cách liên hệ với thí sinh qua số điện thoại, email để gửi thông tin tuyển sinh của trường, gửi giấy báo.

Các trường sử dụng dữ liệu này ở 2 giai đoạn: chưa thi và sau khi thi tốt nghiệp THPT. Giai đoạn chưa thi, các trường liên hệ, gửi thông tin tuyển sinh từng ngành nghề, từng phương thức và mời thí sinh tham gia đăng ký. Sau khi thi và có kết quả, các trường đẩy mạnh việc liên hệ với thí sinh. Những thí sinh điểm cao thì các trường né vì các em chắc chắn sẽ vào những trường lớn. Những thí sinh điểm thấp, dưới điểm sàn thì các trường liên tục liên hệ và thậm chí gửi giấy báo trúng tuyển, mời nhập học.

Ông N.V.P., giám đốc trung tâm quan hệ doanh nghiệp của một trường ĐH tư tại TPHCM, cho biết mới đây, có một đơn vị liên hệ cung cấp dữ liệu của thí sinh tại TPHCM nhưng với điều kiện đưa ra là phải có hợp đồng. Hợp đồng này có nội dung ràng buộc là nhà trường cam kết làm thẻ ngân hàng cho sinh viên và sinh viên đóng học phí phải thông qua ngân hàng.

Khó kiểm soát

Nguyên phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM phân tích: Chuyện mua bán dữ liệu dù bị cấm nhưng đến nay vẫn tồn tại vì có cầu ắt sẽ có cung. Hiện nay việc tự chủ tuyển sinh được trao nhiều quyền chủ động hơn cho các trường. Cộng thêm 2 năm gần đây, ngay các trường công lập tên tuổi cũng tham gia xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Việc vào ĐH hiện nay khá dễ, vì đậu tốt nghiệp được là dường như đậu ĐH. Do đó, các trường rất cần dữ liệu để dễ dàng tiếp cận thí sinh, mời mọc, chèo kéo thí sinh nhập học.

Không chỉ các trường ĐH mà nhiều trường cao đẳng, trung cấp hiện nay cũng tham gia vào thị trường mua bán dữ liệu của thí sinh. Hiệu trưởng một trường CĐ tư tại TPHCM ngao ngán: “Cạnh tranh tuyển sinh ngày càng khốc liệt. Nhiều trường ĐH lớn năm nay cũng sử dụng phương án xét tuyển bằng học bạ, khiến cho công tác tuyển sinh của trường CĐ càng thêm khó. Nếu không tìm được cách tiếp cận thông tin của thí sinh để phục vụ công tác tuyển sinh thì coi như thất bại. Chính vì vậy, hễ nghe ai có dữ liệu của thí sinh của tỉnh A, tỉnh B… là chúng tôi mua ngay. Mua xong về là cho quân khai thác triệt để, rải thư ngỏ, thư mời nhập học, giấy báo trúng tuyển đủ các kiểu… gửi cho thí sinh”.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020, dữ liệu thi tốt nghiệp THPT được dùng để tổ chức thi tốt nghiệp THPT, xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Sở GD-ĐT là một đơn vị quản lý và sử dụng dữ liệu thi tốt nghiệp THPT, mỗi sở được cấp tài khoản để sử dụng Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT của thí sinh đăng ký dự thi tại sở mình. Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ về tính chính xác, bảo mật dữ liệu thi tốt nghiệp THPT của địa phương mình. Còn phía các trường ĐH, CĐ chỉ có thể sử dụng dữ liệu của các thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường mình, không thể sử dụng dữ liệu của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khác… Do đó, việc cung cấp, mua bán dữ liệu của thí sinh là vi phạm quy chế và sẽ bị xử lý.

Ông N.H.P., nguyên phó hiệu trưởng một trường ĐH, cho biết khi ông còn phụ trách tuyển sinh, hội đồng tuyển sinh (hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị) khoán hẳn chỉ tiêu một năm phải tuyển đạt 3.000 chỉ tiêu thì được thưởng phần trăm học phí năm đầu tiên. Nếu tuyển vượt thì càng tốt và càng được thưởng phần trăm cao hơn. Chính vì vậy, ông đã tìm mọi cách để có dữ liệu của thí sinh. Lúc đó, nhiều khi không cần mặc cả, mà hễ có dữ liệu đầy đủ là 5 hay 10 triệu đồng cho một sở cũng sẵn sàng chi ngay.

Tin cùng chuyên mục