
Nông nghiệp là một ngành có nhiều yếu tố độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động do sử dụng máy móc, công cụ sản xuất không đảm bảo an toàn; sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát, tình trạng vệ sinh môi trường nông thôn đáng báo động. Thế nhưng, việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động nông thôn lâu nay hầu như bỏ ngỏ...
Hiện nay, chương trình vệ sinh an toàn lao động tập trung cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp - nơi mà điều kiện lao động không ngừng được cải thiện. Trong khi đó, điều kiện lao động cho nông dân đầu trần, chân đất, suốt ngày đội nắng dầm mưa ngoài đồng ruộng ít được quan tâm.
Cho đến tận bây giờ, nông dân ở huyện Củ Chi không ít người vẫn thường bị tai nạn do các mảnh bom, mìn, vỏ đạn gỉ sét còn vương vãi ẩn mình trong đất. Ở các xã như An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng... bà con còn bị ảnh hưởng các chất độc hóa học từ thời chiến tranh.
Phần lớn kênh rạch, ruộng đồng ở Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn, quận 12... đều bị ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp chứa đầy độc chất. Trung bình 8 tiếng đồng hồ/ngày, người nông dân phải trầm mình lao động trong môi trường như thế. Theo số liệu điều tra, gần 70% nông dân không sử dụng bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc với hóa chất bảo vệ thực vật.

Ngày ngày “bán mặt cho đất - bán lưng cho trời” trên đồng ruộng, những nông dân này rất cần được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.
Dì Tư Hòa ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn – Hóc Môn, 2 năm nay nằm liệt giường với nhiều chứng bệnh nội - ngoại khoa do bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Chị Nguyễn Thị Yến, ở khu phố 2, phường Thới An – quận 12, canh tác 3 công rau nhút sát bên con rạch Đá Hàn, Bến Thượng thông ra kênh Tham Lương và sông Vàm Thuật đen độc ô nhiễm, than thở: “Ngày nào tôi cũng phải ngâm mình trong ruộng rau ngập nước tới bụng.
Có khi đang ở dưới ruộng nghe chân cẳng ngứa xót chịu không nổi”. Theo số liệu của các phòng khám bệnh đa khoa khu vực của Trung tâm Y tế Hóc Môn, quận 12 thì tỷ lệ nông dân nữ bị các bệnh về da, đặc biệt là phụ khoa khá cao.
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH) cho thấy các bệnh nghề nghiệp, mãn tính do làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm của người lao động nông nghiệp ngày mỗi tăng. Có 30,3% nông dân mắc các bệnh nghề nghiệp về da, gần 30% bị viêm nhiễm đường hô hấp, 10% bị đau đầu. Theo số liệu thống kê, cứ 100 ngàn lao động thì có 1.710 người bị ảnh hưởng sức khỏe do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật…
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người lao động, chị Nguyễn Thị Hồng - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Lộc – quận 12 trăn trở: “HTX có 412 xã viên đa số đã lớn tuổi, trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại nên hầu hết sức khỏe đều giảm sút.
Do kinh phí và nguồn thu eo hẹp nên HTX không đủ sức để mua bảo hiểm y tế cũng như tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho xã viên. Khi bị đau ốm, từ cán bộ đến xã viên ai nấy đều tự lo là chính. Hội Nông dân quận 12 có 3.800 hội viên, trong đó chỉ có vài chục người có được chế độ khám chữa bệnh miễn phí thuộc diện xóa đói giảm nghèo.
Anh Võ Văn Tốt, Chủ tịch Hội Nông dân quận 12, bày tỏ tâm tư: “Vấn đề chăm lo sức khỏe cho nông dân lâu nay còn thả nổi. Hội cũng thấy bức xúc trước tình cảnh ấy nhưng... lực bất tòng tâm, không thể nào lo xuể!”.
Đã đến lúc các ngành chức năng cần có hành động thiết thực trong việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động nông nghiệp. Cụ thể phải xây dựng mô hình hệ thống chăm sóc sức khỏe lao động nông nghiệp phù hợp; các biện pháp cải thiện điều kiện lao động...đúng như tinh thần của Chỉ thị số 10/2004/CT-TTg, ngày 8-6-2004 của Thủ tướng hính phủ “Về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp”.
TRỊNH HẢI