Ngày 3-6 vừa qua, tại hội nghị toàn quốc về bảo hiểm y tế do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, có một vấn đề mà cả cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và các địa phương đều đề cập rằng, chỉ tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân không đáng ngại, đáng lo hơn là tỷ lệ tham gia BHXH hiện đang rất thấp.
Ngày 8-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với BHXH Việt Nam về thực hiện chính sách BHXH. Thông tin tại đây cho thấy, Nghị quyết số 21/NQ-TƯ của Bộ Chính trị đặt chỉ tiêu tới năm 2020 cả nước sẽ có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương lại không cụ thể hóa nội dung này cho từng năm nên rất khó thực hiện.
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, qua các đợt khảo sát do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với bộ, ngành mấy năm qua thấy, do không giao chỉ tiêu cụ thể nên lãnh đạo một số địa phương “lơ là” trong thực hiện chỉ tiêu này. Trong khi đó, chỉ tiêu về bảo hiểm y tế đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và hàng năm đều vượt kế hoạch được giao.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 5-2016, cả nước mới có 12,3 triệu người tham gia BHXH, chiếm 23,3% lực lượng lao động và 10,5 triệu người tham gia BHTN, chiếm 19,6% lực lượng lao động. Như vậy, để đạt tới mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đặt ra là cả một thách thức rất lớn, bởi hiện nay, theo BHXH Việt Nam thì phát triển và mở rộng BHXH là hết sức khó khăn do phần lớn đối tượng chưa tham gia là những đối tượng không được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng. Một số tỉnh thành phố có tỷ lệ bao phủ BHXH đạt dưới 10%.
Theo phân tích của ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, số lao động có tiền lương, tiền công mới chiếm 41% lực lượng lao động, trong khi có khoảng 50% là lao động ở khu vực phi kết cấu. Cập nhật bảng lao động của Bộ LĐTB-XH cho thấy, mỗi quý chỉ thêm 0,5% vào số lao động có quan hệ tiền công, tiền lương. Tức là một năm chỉ tăng khoảng 2% lao động có quan hệ tiền công, tiền lương, do đó đến 2020 khó đạt chỉ tiêu tới 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Một vấn đề khác, tình trạng các doanh nghiệp nợ BHXH vẫn tiếp tục gia tăng. Trong số 7.500 tỷ đồng nợ BHXH vào cuối năm 2015, có 2.200 tỷ đồng nợ khó đòi và 220 tỷ đồng không thể đòi được vì có hơn 100 doanh nghiệp giải thể, ảnh hưởng tới cuộc sống của 13.000 lao động. Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định BHXH Việt Nam không có thẩm quyền khởi kiện nợ BHXH nên tòa án không giải quyết các đơn kiện của BHXH. Do vậy, trong 5 tháng đầu năm 2016, nợ BHXH đã lên tới 14.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015. Phải đợi đến 1-7 tới đây, khi Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thì tòa án mới chấp nhận lại đơn kiện của BHXH Việt Nam. Do đó trong khoảng thời gian “trống” pháp lý này, các doanh nghiệp đã gia tăng tình trạng nợ BHXH.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc thực hiện chỉ tiêu của Bộ Chính trị là khó khăn và đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết, giao chỉ tiêu bắt buộc thực hiện BHXH với người lao động. BHXH Việt Nam cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin nợ đọng BHXH, chia sẻ thông tin này với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tiến hành đề nghị cơ quan tố tụng khởi tố hình sự với trường hợp doanh nghiệp có khả năng chi trả nhưng chây ì không đóng BHXH khi Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực từ 1-7-2016.
BHXH là một trong chính sách an sinh quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước, đã được luật định. Không nước nào tự nhận mình tiến bộ mà lại không có hệ thống bảo hiểm cho toàn dân, trong đó có BHXH, bảo hiểm y tế. Chưa đến 25% lực lượng lao động tham gia BHXH là một kết quả đáng lo ngại. Người lao động sau mấy chục năm đi làm, về già phải có lương hưu để sống nếu không sẽ trở thành gánh nặng xã hội. Vì vậy, cần phải thực hiện nghiêm chế tài đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH cho người lao động như tinh thần của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-7 tới đây, đó là nếu trốn và gian lận đóng BHXH có thể bị phạt tù từ 2-7 năm. Cùng với đó, cần phải có một cuộc vận động lớn để thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, của chính người lao động trong việc tham gia đóng BHXH, bảo hiểm tự nguyện. Và đẩy mạnh tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời các vi phạm, xử lý nghiêm.
LÂM NGUYÊN