Buổi livestream chương trình kéo dài 1 giờ hướng tới cung cấp một nền tảng cho thế hệ Y trong khu vực Đông Nam Á, khuyến khích giới trẻ khám phá các địa điểm tham quan trong chuyến du lịch đến Thái Lan sắp tới, khi các hạn chế du lịch bắt đầu được tháo dỡ. Trong buổi phát sóng kỹ thuật số này, những người thích du lịch và có lối sống hiện đại sẽ được nếm thử nhiều loại trái cây Thái đặc sắc và kỳ lạ, chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ ở Thái Lan và những điểm đến mà họ muốn ghé thăm, cả kết thúc chuyến tham quan bằng thử thách tập nói tiếng Thái. Ngoài ra, một người chiến thắng ở khu vực Trung Đông sẽ may mắn nhận được 1 vé khứ hồi đến Thái Lan và 3 đêm nghỉ miễn phí tại Siam Kempinski Hotel Bangkok.
Đây chỉ là một trong những nỗ lực nhằm khôi phục và giải cứu nông sản Thái Lan chuẩn bị cho thời kỳ mở cửa hậu đại dịch Covid-19. Đó cũng là con đường đưa nông sản Thái Lan ra thế giới thông qua ngành công nghiệp không khói.
Song song đó, theo Bangkok Post, Chính phủ Thái Lan cũng vừa tính đến chuyện chuyển sang đường vận chuyển ngắn hơn để vượt qua các rào cản của chuỗi cung ứng nhằm cung cấp hàng nông sản dễ hỏng sang Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của nước này ở châu Á. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 2 của Thái Lan sau Mỹ. Khoảng 80% nông sản từ Thái Lan được vận chuyển bằng đường bộ đến Trung Quốc. Trái cây nhiệt đới như sầu riêng, măng cụt và nhãn là mặt hàng quan trọng, nhưng dễ bị hư hỏng nhất. Theo truyền thống trước đây, hầu hết các mặt hàng nông sản và thực phẩm Thái Lan được chuyển đến Trung Quốc từ các trang trại và kho của Thái Lan bằng xe tải đi qua Việt Nam hoặc Lào. Tàu và máy bay cũng được sử dụng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã chặn đứng các hoạt động giao nhận trên thế giới, dẫn đến sự trì hoãn tại biên giới, các chuyến bay ít hơn và khó xử lý các mặt hàng phù hợp để đi bằng đường biển.
Hồi đầu tháng này, Thái Lan đã có giải pháp mới là vận chuyển sản phẩm đến Việt Nam, sau đó chuyển hàng hóa vào container trên các chuyến tàu hỏa để giao hàng đến Trung Quốc. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là lần đầu tiên các lô hàng nông sản Thái đến thị trường Trung Quốc theo cách này. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Narapat Kaeothong, vận chuyển bằng đường sắt hiện nay rẻ hơn và nhanh hơn so với xe tải, vì vậy về cơ bản Thái Lan đã giảm chi phí và thời gian giao hàng. Hiện tại, không có tuyến tàu hỏa trực tiếp nào nối liền Thái Lan và Trung Quốc, nhưng kế hoạch kết nối hai nước thông qua đường sắt đang được triển khai. Đây có thể trở thành hệ thống vận chuyển mới cho hàng hóa của Thái Lan, từ đó có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn với chi phí thấp hơn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vốn phụ thuộc vào thương mại và du lịch Thái Lan đang phải đối mặt với sự sụt giảm sâu nhất trong hơn 2 thập niên.