Không chỉ hủy hoại sức khỏe, nhanh chóng giết chết người sử dụng trong thời gian ngắn, ma túy đá còn đẩy nhiều người đi vào con đường phạm tội. Hàng loạt vụ án giết người man rợ tại TPHCM gần đây do những con nghiện ngáo đá gây ra đã cho thấy tác hại khủng khiếp của loại ma túy này.
Lực lượng chức năng chuyển thi thể nạn nhân bị Đăng Văn Tuấn (sinh năm 1970, ngụ quận 1) giết và phân xác đi khám nghiệm tử thi.
Kẻ giết người trực tiếp lẫn gián tiếp
Đến nay, người dân TPHCM vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe nhắc lại vụ việc xảy ra ở quận 1 vào cuối tháng 9-2014, một người phụ nữ bị “anh chồng” và cũng là người tình sát hại, rồi phân xác đem phi tang ở nhiều nơi. Một điều tra viên Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (PC45) - Công an TPHCM chia sẻ: Với người dân, chỉ nghe thoáng qua vụ việc đã ớn lạnh, với điều tra viên (thường xuyên tiếp xúc với tội phạm) vẫn phải sởn gai ốc khi nghe Tuấn kể lại những hành động sát hại nạn nhân một cách man rợ, vô nhân tính. Tuấn giết nạn nhân bằng cách lấy cây chày đập liên tiếp vào đầu cho đến chết. Chưa dừng lại, Tuấn dùng kéo để cắt thi thể thành nhiều phần ngay trong toilet nhà mình, rồi bỏ vào bao đem đi vứt. Hành động giết người được Tuấn thực hiện khi đang sử dụng ma túy đá. “Xã hội sẽ còn nhiều câu chuyện, vụ việc đau lòng nữa do ma túy đá gây ra nếu ngay từ bây giờ TP không sớm có biện pháp ngăn chặn quyết liệt”, điều tra viên cảnh báo.
Không chỉ giết chết người sử dụng, sai khiến người nghiện cầm dao kéo “mổ, xẻ”, giết người, ma túy đá còn đẩy người sử dụng đi vào nhiều con đường phạm tội khác nhau. Ra tù vì tội “Hiếp dâm” đã hơn 1 năm, anh N.M.K. (36 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú ấp 5 xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) chưa hết cảm giác hãi sợ khi nhớ lại lần ngáo đá hồi năm 2006, khiến anh không làm chủ được bản thân, có hành vi đồi bại với người phụ nữ bán tạp hóa gần nhà. Anh kể, sống xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình nên nghe bạn bè rủ rê chơi hàng đá. “Chơi đến lần thứ 2 thì người tôi như muốn nhảy cẫng lên, cảm giác hưng phấn vô cùng, dục vọng trỗi dậy. Đầu óc lúc đó cứ xoay vòng, đến lúc tỉnh táo lại mới biết mình đã làm chuyện đồi bại với chị chủ nhà bán tạp hóa bên cạnh. Với tôi, ma túy là kẻ thù suốt cuộc đời này”, K. nói. Trên thực tế, tại TPHCM số vụ án gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra liên quan đến ma túy đá không phải hiếm, thậm chí đang gia tăng đến mức báo động nhưng rất nhiều cơ quan chức năng, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương cho rằng đây chỉ là những vụ án cá biệt, chưa đặc biệt quan tâm đến tác hại và hệ lụy kéo theo của ma túy đá.
Ách tắc giải pháp
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết ma túy đá đang diễn biến phức tạp là do hiện nay chưa có phác đồ điều trị cho người nghiện, việc đưa người “đập đá” vào các cơ sở chữa bệnh cũng đang gặp khó chung như với người sử dụng ma túy khác. Các bất cập, tồn tại, ách tắc xuất phát từ Luật Xử lý vi phạm hành chính. Sau khi luật trên ra đời, đến nay, TPHCM chưa đưa được người nghiện ma túy nào vào cai nghiện tập trung. Trong khi cai nghiện tập trung đang bế tắc thì cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cũng đang “ế”, ít người tham gia. Tại 24 quận, huyện, chưa ai tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện với UBND phường, xã để được giúp đỡ, tổ chức cai nghiện ma túy ngay tại gia đình và cộng đồng.
Theo ông Trần Trung Dũng, việc cắt cơn, giải độc phải có phòng ốc với trang thiết bị đầy đủ và đội ngũ bác sĩ được tập huấn cộng với phương án bảo vệ chu đáo. Tuy nhiên, đến nay, các Trung tâm Y tế dự phòng vẫn… y như cũ, con người vẫn y như cũ, cơ sở vật chất không thay đổi thì làm sao có thể cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy được. Ông Dũng cho rằng, các ban, ngành cần khảo sát, kiến nghị đầy đủ và có hướng thực hiện một cách cụ thể, thiết thực chứ còn “chỉ đạo không không thì không ăn thua”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, cho biết, công tác quản lý người lang thang sử dụng ma túy thời gian qua cũng còn bỏ ngỏ. Theo quy định, người lang thang, không nơi cư trú ổn định mà nghiện ma túy, cơ quan chức năng phải thẩm tra xác minh để xác định nơi cư trú của họ, rồi mới đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung. Trong khi chờ xác minh, người lang thang sử dụng ma túy phải giao cho tổ chức xã hội quản lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được “tổ chức xã hội” là tổ chức nào. Chúng ta có tổ chức chính trị xã hội, còn tổ chức xã hội lại chưa rõ. Sở LĐTB-XH TPHCM đã báo cáo UBND TPHCM, xin phép thí điểm chuyển giao Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu tạm nhận người nghiện ma túy lang thang. Việc kiến nghị kéo dài từ lâu, đến nay vẫn… bỏ ngỏ.
| |
TUẤN VŨ - ĐƯỜNG LOAN