Theo kế hoạch, hôm nay, 31-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trình bày trước Quốc hội báo cáo của Chính phủ về tình hình phòng chống tham nhũng (PCTN). Chiều qua, 30-10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng đã chủ trì phiên họp thứ 8 của Ban chỉ đạo TƯ về PCTN để đánh giá tình hình quý 3 và triển khai công việc 2 tháng cuối năm.
Án treo, án chậm: vấn đề nổi cộm
Theo đánh giá của BCĐ TƯ về PCTN, tình hình TN vẫn diễn biến phức tạp, đã xuất hiện dấu hiệu TN có yếu tố nước ngoài. Công tác phát hiện các vụ việc TN vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời. Việc xử lý các vụ án còn lại trong 8 vụ án trọng điểm (vụ Nguyễn Đức Chi, vụ điện kế điện tử TPHCM và mảng tội phạm kinh tế trong vụ PMU 18) chưa đạt tiến độ đã đề ra (kế hoạch là xử lý dứt điểm trong quý 3-2008).
Ngoài ra, một số vụ việc, vụ án TN chậm được xử lý và xử lý chưa triệt để, như những sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Mía đường I; vụ án xảy ra tại kho cảng Thị Vải Vũng Tàu kéo dài hơn 4 năm; vụ Than Quảng Ninh đã khởi tố 31 vụ án với 156 bị can nhưng đây mới chỉ là những đối tượng thực hành...
Vì tiến độ các vụ án quá chậm nên đã gây phản cảm trong dư luận, thậm chí làm nảy sinh nghi ngờ về quyết tâm PCTN của Đảng, Nhà nước. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, chắc chắn không có sự “chùng xuống” trong PCTN như dư luận lo ngại. Ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng khẳng định, từ trước đến nay, chưa có bất cứ ai chỉ đạo ông phải “mềm” trong việc PCTN.
Tuy nhiên, nhìn một cách thẳng thắn, ông Trần Quốc Vượng cho rằng, phải rút kinh nghiệm về xử lý các vụ việc, vụ án như trong thời gian qua. “Phải có biện pháp điều tra đặc biệt thì mới làm được các vụ án TN hiện nay. Đơn cử, chúng ta không thể phát hiện tội danh hối lộ nếu không có biện pháp đặc biệt”, ông Vượng nói.
Theo ông Vượng, thủ phạm khiến các vụ án bị chậm chính là quá trình điều tra, chưa có cơ chế khuyến khích, thiết bị chưa hoàn thiện. “Phải tiến hành rà soát lại các vụ án trọng điểm trong thời gian qua để có hướng khắc phục, không thể để xảy ra tình trạng như hiện nay”, ông Vượng đề xuất.
Một vấn đề khác trong công tác PCTN thời gian qua, đó là có quá nhiều án treo, theo ước tính chiếm tới 30% khiến không ít người nghi ngờ liệu có hay không tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong xử lý TN.
Theo giải thích của ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, 30% án treo này chủ yếu rơi vào các trường hợp làm trái quy định, còn nếu đã dính vào tội danh tham ô, hối lộ thì chắc chắn không được án treo. “Chúng tôi xét xử đúng người, đúng tội, chứ không xét xử theo dư luận”, ông Bình nói. Án treo là do xuất phát từ những vụ án có tính chất không nghiêm trọng như thông tin ban đầu.
Lãng phí: thủ phạm làm nghèo đất nước
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng Nguyễn Thị Hải Chuyền cho rằng, cần phải tập trung chống lãng phí, “vì hậu quả của lãng phí rất lớn”. Kết quả kiểm tra từ 2006 - 2008 cho thấy, lãng phí về đất đai là vô cùng lớn. Lãng phí về chi ngân sách cũng vô cùng nghiêm trọng, “có những địa phương lãng phí chi ngân sách từ 100% - 200%, nhưng chưa có bất cứ người đứng đầu nào bị quy trách nhiệm”, bà Chuyền bức xúc.
Lãng phí về quyết định đầu tư, quản lý tài nguyên khoáng sản... đâu đâu cũng thấy rõ những hậu quả làm nghèo đất nước. Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp cũng phải thốt lên, chúng ta hiện đang đi tìm người sai để xử lý (TN), nhưng người đáng bị xử lý hơn là những người lãng phí, những người chậm trễ vì hậu quả còn lớn hơn.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng đồng tình, hiện nay TN nhiều, nhưng lãng phí, chậm trễ còn nhiều hơn. “Chúng ta làm sân bay Tân Sơn Nhất chỉ hết 250 triệu USD. Lẽ ra làm sân bay Nội Bài luôn thì cũng chỉ hết bấy nhiêu. Nhưng do chần chừ, chậm trễ, bây giờ chúng ta phải làm hết 500 triệu USD”, Phó Thủ tướng dẫn chứng về hậu quả của sự chậm trễ.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, về lâu dài, chúng ta phải thực hiện phòng TN. Nhưng trước mắt phải chống TN, chống để phòng tốt hơn. Việc cần làm hiện nay là phải rút kinh nghiệm về việc để chậm tiến độ các vụ án TN; “hết năm 2008 phải kết thúc vụ PM18, vụ điện kế điện tử, vụ Thiên Lợi Hòa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Riêng về vụ điện kế điện tử, nếu chỉ vướng mắc do vấn đề giám định tư pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu ngay trong tuần tới, các bên liên quan có thể họp với sự chủ trì của Phó Thủ tướng, ba mặt một lời để giải quyết dứt điểm, họp cả ngày không xong thì kéo sang tối.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, phải hoàn thiện khâu giám định tư pháp để tiết kiệm thời gian xử lý vụ án; xốc lại đội ngũ cán bộ tư pháp cho đủ tầm. Một công việc quan trọng khác, 2 tháng cuối năm nay sẽ phải hoàn thiện báo cáo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết TƯ 3 về PCTN để trình Bộ Chính trị.
Phan Thảo