Thận trọng xây dựng khung pháp lý cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện

Vừa qua, chính phủ một số nước đã phải can thiệp khẩn cấp vào các quỹ hưu trí tư nhân, để ngăn chặn nguy cơ căng thẳng tài chính lan rộng. "Do đó, quy định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện phải rất thận trọng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội.

Cả nước hiện có khoảng 6,1 triệu người đang được hưởng lương hưu
Cả nước hiện có khoảng 6,1 triệu người đang được hưởng lương hưu

Để chuẩn bị cho phiên chất vấn dự kiến diễn ra ngày 18-3 tới đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cung cấp thông tin, sau hơn 2 năm triển khai, khung pháp lý để triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung đã được ban hành đầy đủ.

Căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ: LĐTB-XH, KH-ĐT, Tư pháp rà soát hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho 4 doanh nghiệp. Hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021 và hiện có 10 quỹ do 4 doanh nghiệp quản lý quỹ được cấp phép thành lập với tổng trị giá tài sản đến cuối năm 2023 gần 858 tỷ đồng.

Vẫn theo ông Hồ Đức Phớc, thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thay đổi các nguyên tắc vận hành nền kinh tế và thị trường tài chính của các nước trên thế giới. Đối với hệ thống quỹ hưu trí, tình hình tài chính - tiền tệ trên thế giới thời gian gần đây có nhiều biến động phức tạp đã khiến hệ thống quỹ hưu trí gặp rất nhiều khó khăn, giá trị tổng tài sản của nhiều quỹ giảm mạnh. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và trái phiếu khiến tài sản của các quỹ hưu trí toàn cầu giảm 5,9% trong năm 2022, từ 22.100 tỷ USD xuống 20.800 tỷ USD. Tại Anh, ước tính tổng giá trị tài sản của 5.100 quỹ hưu trí trong năm 2022 giảm 24%.

Quỹ hưu trí toàn cầu Chính phủ Na Uy (GPFG) - quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới - thua lỗ kỷ lục 164,4 tỷ USD trong năm 2022. Quỹ hưu trí tư nhân ATP của Đan Mạch giảm 45% giá trị tài sản trong năm 2022, gây thua lỗ 34 tỷ USD cho những người hưu trí. Trước tình hình đó, chính phủ một số nước đã phải can thiệp khẩn cấp, dù đây là các quỹ hưu trí tư nhân, để ngăn chặn nguy cơ căng thẳng tài chính lan rộng, ổn định tâm lý của người dân.

Trên cơ sở theo dõi xu hướng tác động lên các quỹ hưu trí tại một số quốc gia trước biến động của thị trường tài chính quốc tế trong thời gian qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ LĐTB-XH đánh giá quy định của pháp luật về hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện để báo cáo Chính phủ trong tổng thể các chính sách bảo hiểm xã hội tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự thảo luật này đang được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng thận trọng, bảo đảm an toàn, bền vững hệ thống.

Tin cùng chuyên mục