Tháng 7 - Mùa thương của người dân Ba Chúc

Cái thời khắc ai bi của đợt thảm sát ở xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc) đã qua 44 năm, những người còn sống sót ngày ấy và những cư dân mới của xã biên giới này đang cố vượt lên số phận với sự giúp đỡ của chính quyền tỉnh An Giang, chính quyền huyện Tri Tôn và nhiều hội đoàn từ thiện nhiều nơi.

1.

 44 năm trôi qua, nhưng nỗi bi thương, đau xót của vụ thảm sát ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang vào tháng 4-1978 bởi quân Pôn Pốt, vết thương trong lòng những người dân ở Ba Chúc vẫn không thể lành khi đứng giữa ngôi nhà mồ ở Ba Chúc mà chung quanh là những xương và sọ người, nhiều vết nứt, vỡ của 1.159 người dân xấu số... 

Tháng 4 năm nào khu làng nhỏ này cũng đặc quánh hương khói, nước mắt và nhà mồ Ba Chúc vào tháng 7 Âm lịch năm nào cũng nến đèn lung linh sáng đêm. Đó là mùa giỗ chung của 3.157 người dân Ba Chúc xấu số đã bị quân Pôn Pốt thảm sát trong 12 ngày đêm bọn chúng chiếm đóng trái phép xã Ba Chúc, từ 18-4 – 30-4-1978.

Trưa 17-4-1978, đám lính Pôn Pốt vượt biên giới xâm nhập trái phép vào Việt Nam, trên đường đi qua các xã, bọn chúng gặp ai giết nấy. Ngày 18-4-1978, quân Pôn Pốt ào vào chiếm đóng trái phép làng Ba Chúc, sát biên giới. Địa phương gấp rút kế hoạch đưa dân đi nơi khác lánh nạn.

Nhưng người dân Ba Chúc không muốn đi, bởi họ tiếc nhà cửa, ruộng vườn, gia súc và bởi họ tin rằng lánh vào chùa sẽ không bị giết. Nhưng “quân Pôn Pốt rất dã man, người già, em nhỏ, phụ nữ có thai... chúng giết hết! Vậy nên dân mới chết cả làng đó”, bà Huỳnh Kim Huệ, người ở khu ruộng Lạc Quới, nơi bọn Pôn Pốt tập trung dân để thực hiện đợt thảm sát kinh hoàng, đã nói thế.   

3.157 người dân vô tội đã bị quân Pôn Pốt giết chết bằng xẻng, búa, chày, súng, gậy tầm vông, bất chấp nạn nhân là người già hay trẻ em chưa biết nói. Chỉ vài người sống sót trong ngày 18-4-1978. Đó là bà Hà Thị Nga, 39 tuổi, sống sót khi chồng và 6 con mà cháu bé nhất mới 10 tháng tuổi cùng 100 người trong dòng họ Hà bị giết. Cô bé 11 tuổi Nguyễn Thị Ngọc Sương khi ấy sống sót nhờ cha Sương trước khi bị đập đầu chết đã cố nằm ngang đè lên con che mắt quân khát máu.

2.

Cái thời khắc bi ai của đợt thảm sát ở xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc) đã qua 44 năm, những người còn sống sót ngày ấy và những cư dân mới của xã biên giới này đang cố vượt lên số phận với sự giúp đỡ của chính quyền tỉnh An Giang, chính quyền huyện Tri Tôn và nhiều hội đoàn từ thiện nhiều nơi.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhóm từ thiện Chia sẻ - Sharing do bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lập ra, suốt 17 năm qua đã lặng lẽ dành cho người đang sống và người đã khuất ở Ba Chúc những tình cảm ấm áp. Không chỉ tặng quà thời vụ giáp hạt hàng năm cho 500 hộ nghèo, là tiền mặt, lương thực; tặng đường, sữa dinh dưỡng cho hàng ngàn trẻ nhân mùa tựu trường; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân còn vận động hỗ trợ sinh kế cho người dân Ba Chúc 150 con bò giống (17 triệu đồng/con) và 500 cặp heo giống, học bổng cho học sinh nghèo.

Bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, và mạnh thường quân trao tặng bò cho hộ nghèo tại Ba Chúc

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương ngoài dư chấn vết thương năm xưa bị Pôn Pốt đánh, còn bị sang chấn tâm lý, vì thế, mới đây, khi đi bộ lơ ngơ ngoài đường xã đã bị tai nạn giao thông khá nặng.

Ông Mai Văn Xưa, chồng bà Sương (người sống sót trong đợt thảm sát năm 1978) đã rất bối rối khi nhận quà của nhóm và nhận phần quà riêng của của bài Mai Thị Hạnh thay vợ. Hoàn cảnh gia đình ông vốn khó khăn, nay chị Sương bệnh nằm một chỗ, gia đình càng khó khăn hơn.   

Vừa qua, nhân ngày giỗ chung tại Ba Chúc, nhóm từ thiện của bà Mai Thị Hạnh đã đến thăm, tặng quà cho 500 hộ nghèo, gồm: lương thực thực phẩm; tặng đường, sữa dinh dưỡng, bánh trung thu và tiền mặt cho 500 trẻ nghèo, mồ côi và tặng 50 con bò (17 triệu đồng/con) cho 50 hộ nông dân nghèo, mà đa phần là bà con người Khmer. Tổng giá trị đợt hỗ trợ ước tính 1,83 tỷ đồng.

Nhóm từ thiện Chia sẻ -Sharing tặng quà người dân Ba Chúc 

Tin cùng chuyên mục