Tháng 7 sẽ có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

Tính đến hết tháng 6, cả nước đã ghi nhận hơn 12.600 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 4 ca tử vong. Số ca mắc tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam, chiếm hơn 70% số mắc của cả nước.

Theo Bộ Y tế, hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh TCM. GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, mỗi lần trẻ mắc bệnh chỉ tạo được kháng thể với một loại virus nhất định nên vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu nhiễm virus khác.

Bộ Y tế đã giao các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh nhiệt đới TPHCM, các bệnh viện bệnh nhiệt đới các tỉnh, thành rà soát điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc… để tiếp nhận các ca bệnh nặng. Đồng thời lập 7 đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại 14 tỉnh, thành trọng điểm.

Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng. Nguồn: BỘ Y TẾ

Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng. Nguồn: BỘ Y TẾ

Ghi nhận tại các bệnh viện chuyên khoa nhi ở TPHCM và Hà Nội cho thấy, số ca mắc TCM gia tăng nhanh trong những ngày gần đây. Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, thông tin, theo báo cáo của các đơn vị, nguồn thuốc Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm cho các trường hợp bệnh TCM phân độ nặng có thể gặp khó khăn trong thời gian sắp tới nếu dịch TCM kéo dài.

Bên cạnh các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam, phenobarbital (uống), thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml là một trong các thuốc chống co giật, được kiểm soát đặc biệt. Hiện có một doanh nghiệp cung ứng cho các đơn vị trên địa bàn theo đơn hàng nhập khẩu. Đơn hàng đã được Cục Quản lý dược phê duyệt và dự kiến đầu tháng 7 sẽ có đợt thuốc tiếp theo.

Trong khi đó, thuốc Immunoglobulin chủ yếu sử dụng nguồn thuốc nhập khẩu. Hiện tại, các đơn vị trúng thầu thuốc trên địa bàn đang tiếp tục thúc đẩy các thủ tục liên quan, phối hợp nhà cung ứng để thực hiện cung ứng thuốc. Cục Quản lý dược cũng đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, yêu cầu đảm bảo cung ứng thuốc điều trị.

GS-TS Phan Trọng Lân cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược nỗ lực tìm kiếm nguồn cung và khẩn trương nhập khẩu thuốc Immunoglobulin về Việt Nam sớm nhất để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị bệnh TCM. Đối với các thuốc điều trị khác, trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung hạn chế, Bộ Y tế đã có sẵn phương án để đảm bảo.

Bộ cũng đề nghị các địa phương chủ động lên phương án dự trữ, mua sắm và kịp thời báo cáo trong trường hợp thiếu nguồn cung để đảm bảo công tác điều trị và phòng bệnh.

Hiện đã có 6.000 chai thuốc Immunoglobulin được nhập về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện, bước đầu đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.

Tin cùng chuyên mục