“Đang yên đang lành thì hết tết. Đi làm hổng vô”; “Còn mùng còn tết nha, ai phải đi làm thì đừng buồn vì có cơ hội thử vận đỏ đen” hay hàng loạt những biểu cảm chán nản khác sau kỳ nghỉ tết dài 9 ngày vừa kết thúc. Tưởng chừng đó chỉ là những lời nửa đùa nửa thật, nhưng thực tế, tinh thần học tập và làm việc của nhiều người trẻ sau tết vẫn đủng đỉnh, chưa vào guồng.
Dịp “bung lụa”
“10 giờ ở quán quen để gặp mặt đầu xuân nha tụi bây”, nhận được tin nhắn của cô bạn học, Nguyễn Hồng Vân, 23 tuổi (nhân viên Công ty E.V, đường Lê Lợi, quận 1) khá bất ngờ. Bất ngờ hơn khi nhóm 8 người chơi chung với nhau thì có tới 5 người nhanh chóng đồng ý. Vân nhắn lại báo ra trễ vì giờ đó đang là giờ làm việc, thì nhóm bạn chêm vào: “Chưa hết mùng hết mền, thiên hạ còn ăn chơi rần rần, mình làm việc sao vô”; “Tất niên đã bận tối mặt vì công việc thì tân niên phải “bung lụa” chớ. Với lại tết mà, thiếu gì lý do để sếp du di”… Vì mới ra trường nên năm nay là xuân đầu tiên Vân đi làm, thấy đám bạn nói vậy, Vân cũng đắn đo. Nhưng ở công ty nước ngoài nơi Vân làm việc, mọi người đều khẩn trương nhập cuộc, ai vào việc người nấy...
Có lẽ không khí đủng đỉnh sau tết dễ thấy hơn ở nhiều cơ quan nhà nước hay những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong nước. Với suy nghĩ ngày đầu năm phải giao lưu, chúc tết nhau thì cả năm mới suôn sẻ nên công việc không phải là ưu tiên số 1. Minh chứng là hình ảnh những bàn tiệc, những cú chạm ly, những phong bao lì xì, thậm chí là những ván bài may rủi ngập tràn trên Facebook của người trẻ và được cập nhật liên tục. Thi thoảng có vài người bình luận hỏi về công việc thì lập tức nhận được những câu trả lời đại loại: “Mới tết xong, tận hưởng đã, đi đâu mà vội”.
Cũng vì sự du di của sếp trong dịp năm mới mà nhiều bạn trẻ “được đà lấn tới”. Sau gần chục ngày ăn, chơi, ngủ, nghỉ theo cảm hứng, giờ trở lại làm việc, hầu hết đều không thể vào nếp của ngày thường. “Nếu không đi làm trễ giờ thì nhân viên cũng lén rời khỏi vị trí làm việc với đủ lý do. Năm mới mà mình khắt khe quá thì không khí làm việc căng thẳng, không nhắc nhở thì cả tuần đi làm rồi nhưng thái độ làm việc chẳng khác nào… đang nghỉ tết”, anh Trương Văn Hòa, quản lý một công ty phân phối thiết bị y tế tại quận 10 than phiền.
Chị Vũ Thị Thu Hà, 25 tuổi (ngụ đường Lương Định Của, phường An Phú, quận 2) góp chuyện, những ngày làm việc đầu năm, chị phải đặt 3 mốc giờ báo thức mới có thể dậy đúng 7 giờ sáng để kịp tới cơ quan vào 8 giờ sáng. Công ty truyền thông S.M (đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình), nơi chị Hà làm việc chủ yếu là người trẻ dưới 30 tuổi nên ngày đầu năm mới đi làm, sau màn chúc tết, nhận lì xì, thay vì mở máy tính làm việc, một số người sẽ khai xuân bằng màn kéo xì dách ngay tại văn phòng, còn một số chỉ đá qua công ty rồi “chuồn” về nhậu như chưa hề hết tết. Mấy ngày sau đó, văn phòng công ty vẫn ở tình trạng “vườn không nhà trống” vào đầu giờ làm việc buổi sáng. Chị Hà cho biết: “Tâm lý năm mới là vậy, kiểu gì cũng phải hết tháng Giêng thì đâu mới vào đấy được”.
Đầu năm linh đình ăn chơi
Giới văn phòng đủng đỉnh trong những ngày đầu năm mới, còn giới sinh viên, học sinh cũng vui xuân không kém. Lê Huy T. (lớp 11, một trường THPT ở TP Tân An, tỉnh Long An, từ mùng 2 tết đã lo dùi mài kinh sử. Không phải vì chăm mà vì vào thứ hai (mùng 7) sẽ có 2 bài kiểm tra quan trọng. Lý do là bạn bè T. đều về quê nội ngoại nên có muốn đi chơi cũng không biết đi cùng ai. Theo lời kể của T., ngay sau khi hoàn thành bài kiểm tra, cả lớp sẽ có một buổi tân niên linh đình, tiếp đó sẽ mở hội chợ lô tô và bầu cua tự chế trên lớp. Bạn bè ai có bánh đem bánh, ai có mứt đem mứt, có đứa còn xung phong đem cả bánh tét, dưa hấu. Sau khi học trên lớp, mỗi ngày cả đám sẽ tụ tập tại nhà một đứa “gầy sòng” tiến lên, xì dách, ba cào…
T. còn hớn hở khen giáo viên trường mình hiểu tâm lý học sinh, đa số cho học sinh làm kiểm tra trước tết nên sau tết, chương trình học khá nhẹ nhàng. Giáo viên dạy thêm cũng cho nghỉ 2 tuần sau tết tiện để học sinh và giáo viên cùng vui xuân. Còn tháng Giêng của sinh viên lại càng có phần thoải mái hơn, vì sẽ được nghỉ tết đến qua rằm. Trước và trong tết, sinh viên sẽ dành chủ yếu thời gian với gia đình, bạn bè. Và sau mùng 8, các bạn sẽ bắt đầu những chuyến du xuân đầu năm. Hồng Thắm, sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Trong kỳ nghỉ tết, tôi thường chọn những điểm du lịch dài ngày, vì một năm tôi có đến 3 học kỳ nên kỳ nghỉ hè rất ngắn. Du lịch đầu năm thường thời tiết cũng dễ chịu hơn và vẫn còn không khí tết nên cũng đặc biệt hơn so với đi du lịch trong năm”.
Tháng Giêng còn là khoảng thời gian để sinh viên gặp lại bạn cũ vì tất cả sinh viên sẽ được về quê. Nào là bạn cấp 2, bạn cấp 3, bạn cùng khu phố, cứ mỗi nhóm là 2, 3 buổi tiệc tân niên nên sau mùng 5 tết sẽ có tiệc tùng tưng bừng. Các cuộc hẹn sẽ có chút rượu chè, cờ bạc…
Tháng Giêng chính xác là tháng ăn chơi trong mắt nhiều người trẻ. Đã bước vào tháng Giêng, khởi động một năm mới thì ngại gì không tự thưởng một kỳ nghỉ, một vài bữa chè chén hay những đám bài bạc không biết đường về. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” (câu ca dao nói về thời điểm giá rét, không thuận lợi để gieo trồng ở thời kỳ mà đại bộ phận cư dân của nước ta đều làm nghề nông) lại để biện minh cho thái độ làm việc thiếu chỉn chu, thiếu nghiêm túc vào những ngày đầu năm mới