Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVI năm 2016
Hơn 11 năm gắn bó với Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé (thuộc Tổng Công ty Samco), kỹ sư Huỳnh Tuấn Dũng (35 tuổi, quê Phú Yên) luôn có những sáng kiến cải tiến để cần cẩu hoạt động tốt nhất, đáp ứng nhu cầu công việc, giúp công ty không phải tốn chi phí mua sắm mới.
Với chàng kỹ sư ấy, khi đã làm việc thì phải toàn tâm toàn ý với công việc. Chính sự nhiệt tình, chịu khó và bản tính ham học hỏi của người con đất miền Trung đã giúp anh Dũng có được những thành công khi tuổi đời còn khá trẻ.
Chúng tôi gặp anh Dũng tại xưởng cơ khí khi anh đang cùng các anh em công nhân kiểm tra các thiết bị dự phòng cho máy móc. Với bản tính cẩn thận, chu đáo, làm việc gì anh cũng tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. “Cẩn thận lúc nào cũng tốt, bởi có đôi khi đã tìm ra được nguyên nhân máy hư nhưng lại thiếu thiết bị thay thế thì cũng đành bó tay”, anh Dũng giải thích. Với người từng ngồi hàng giờ trên cần cẩu giữa trời trưa nắng và những lúc đêm vắng lạnh để tìm ra nguyên nhân khiến cẩu không hoạt động như anh Dũng thì cái tính cẩn thận ấy là có lý do.
Kỹ sư Huỳnh Tuấn Dũng (bìa trái) cùng đồng nghiệp kiểm tra các thiết bị tại xưởng
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM, anh được tuyển vào làm việc tại Công ty Cảng Bến Nghé với công việc chuyên môn là phụ trách các thiết bị xếp dỡ đầu cần cẩu. Với đa phần máy móc tại cảng là máy cũ, nên anh gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thực tế. Với bản tính thích chủ động, anh tự đọc và nghiên cứu tài liệu kỹ thuật của các phương tiện cần cẩu và dần đã nắm bắt được quy trình của hệ thống. Từ đó anh không chỉ lên kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, mà còn nghiên cứu để tìm ra các phương án cảnh báo trước khi thiết bị gặp sự cố. Mục tiêu anh đặt ra là phải đảm bảo các thiết bị luôn hoạt động liên tục và chi phí hoạt động phải thấp nhất nhằm tạo lợi nhuận cho công ty.
Cách để giảm chi phí chính là không để cần cẩu bị hư, do đó trước khi sự cố xảy ra, anh và đồng nghiệp luôn nghĩ ra cách để cảnh báo ngăn ngừa hư hỏng. Ở cảng, cần cẩu QC đã hoạt động trên 20 năm, các thiết bị bảo vệ an toàn cho các cơ cấu chấp hành đã không còn hoạt động trơn tru hoặc hoạt động nhưng không phù hợp với điều kiện thực tế, chi phí sửa chữa lên đến cả trăm triệu đồng và nhiều lần cẩu phải dừng hoạt động, làm hàng hóa bị ùn ứ. Vì vậy, anh Dũng mày mò nghiên cứu tìm giải pháp thiết kế hệ thống bảo vệ tình trạng quá nhiệt động cơ điện DC để cẩu không ngừng hoạt động. Giải pháp này giúp theo dõi nhiệt động cơ DC và kết nối với hệ thống PLC của cẩu để bảo vệ động cơ khi có sự cố nhiệt. Với cách làm này, anh đã tiết kiệm chi phí cho công ty gần 500 triệu đồng và giúp quy trình xếp dỡ hàng hóa không bị gián đoạn.
Điểm lại hơn 12 sáng kiến cải tiến đã thực hiện, anh Dũng tâm sự rằng tìm tòi để thỏa đam mê. Thế nhưng, chính những sáng kiến đó đã làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng, cải thiện hiệu quả công việc. Hiện giờ, anh còn là thành viên trong hội đồng sáng kiến của công ty. Với chàng kỹ sư vốn đam mê nghiên cứu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và đã có nhiều dự án khi còn là sinh viên, giờ được làm trong môi trường chuyên môn càng giúp anh có thêm động lực để cho ra đời nhiều cải tiến kỹ thuật. Không chỉ học hỏi qua tài liệu sẵn có, anh còn tham gia các khóa học chuyên ngành và học thêm ngoại ngữ để có thể nghiên cứu trực tiếp tài liệu kỹ thuật của nước ngoài.
Ngoài làm tốt chuyên môn, anh còn tham gia kèm cặp, đào tạo các kỹ sư, công nhân trẻ để họ cùng tiến bộ. Từng là tổ trưởng tổ công đoàn và nay với vai trò Bí thư Đoàn TNCS công ty, anh Dũng luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh em cũng như tích cực vận động mọi người tham gia các phong trào thể thao, văn nghệ, các chương trình tình nguyện chăm lo thiếu nhi, đóng góp chăm lo phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… Chính sự năng động, nhiệt huyết của một đảng viên trẻ, cộng thêm tinh thần chịu khó, ham học hỏi, nhiều năm liền kỹ sư Huỳnh Tuấn Dũng là chiến sĩ thi đua và đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng, UBND TPHCM và tổng công ty.
HỒNG HẢI