Thành công nhờ lấy uy tín làm đầu

Anh Nguyễn Ngọc Phú và chị Trần Ngọc Phương (ngụ ở đường Lê Quốc Trinh, phường Phú Thị Hòa quận Tân Phú TPHCM) bắt đầu làm quen với nghề sản xuất bao bì nhựa vào năm 2002. “Để có thể tiếp cận nghề nhanh, vợ chồng tôi quyết định dồn hết số tiền ít ỏi tích cóp được mua 1 máy ép nhựa (còn gọi là máy ép cao tầng), 1 máy in. Sản phẩm ban đầu là bao bì kềm, chúng tôi chia nhau chạy bỏ mối ở các chợ, cửa hàng nhỏ. Mặt khác, chúng tôi nhận nguyên vật liệu từ các cửa hàng về làm, lấy công làm lời”, anh kể.
Thành công nhờ lấy uy tín làm đầu

Anh Nguyễn Ngọc Phú và chị Trần Ngọc Phương (ngụ ở đường Lê Quốc Trinh, phường Phú Thị Hòa quận Tân Phú TPHCM) bắt đầu làm quen với nghề sản xuất bao bì nhựa vào năm 2002. “Để có thể tiếp cận nghề nhanh, vợ chồng tôi quyết định dồn hết số tiền ít ỏi tích cóp được mua 1 máy ép nhựa (còn gọi là máy ép cao tầng), 1 máy in. Sản phẩm ban đầu là bao bì kềm, chúng tôi chia nhau chạy bỏ mối ở các chợ, cửa hàng nhỏ. Mặt khác, chúng tôi nhận nguyên vật liệu từ các cửa hàng về làm, lấy công làm lời”, anh kể.

Anh chị vừa làm, vừa học hỏi và chú trọng việc đa dạng mẫu mới để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Nhờ luôn quan tâm đến chất lượng nên chỉ một thời gian, sản phẩm của anh chị đã được nhiều người quan tâm, đặc biệt là một số công ty đóng trên địa bàn quận Tân Phú và các quận lân cận như Tân Bình, quận 5. Hơn 1 năm sau, anh Phú tiếp cận được với Công ty CP Kềm Nghĩa (chuyên sản xuất dụng cụ làm móng tay). “Trong kinh doanh, ngoài “tài và tâm” còn có sự may mắn”- anh Phú giải thích về cuộc gặp gỡ giữa anh và Công ty CP Kềm Nghĩa.

Thành công nhờ lấy uy tín làm đầu ảnh 1

Anh chị Phú - Phương (đứng) hướng dẫn công nhân tại cơ sở sản xuất. Ảnh: T.H.

Ngay sau buổi đầu “ra mắt” sản phẩm, anh đã nhận được hợp đồng đặt hàng của công ty với lời hứa của ông giám đốc: “Cơ sở anh chị sẽ là nơi đặt hàng ổn định của công ty chúng tôi”. Tuy nhiên, cùng với niềm vui nhận đơn đặt hàng ngày càng tăng thì khó khăn, thử thách lại càng lớn vì thiếu vốn… Năm 2006, chị Phương được Hội Phụ nữ quận Tân Phú giới thiệu vay từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Qua 3 lần vay quay vòng, anh chị đều đầu tư mua sắm thêm máy móc và nguyên vật liệu. Ban đầu lợi nhuận thu được chỉ đủ trả công thợ và các khoản chi phí khác nhưng anh chị vẫn giữ niềm tin khi số lượng máy móc đã tăng lên dần…

Đến nay, cơ sở in ép bao bì Phúc Phương của anh chị đã có 9 máy ép, 7 máy in và thu nhận 35 lao động ăn lương theo sản phẩm, thu nhập bình quân 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, được sắp xếp chỗ ăn ở.

Chị Phương tâm sự: “35 công nhân đang làm việc tại cơ sở chúng tôi, chủ yếu là những lao động nghèo. Vợ chồng tôi cũng đi lên từ những người làm thuê, nên chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của họ”.

Anh chị đã thuê thêm căn nhà bên cạnh cơ sở để có nơi ăn ở ổn định cho công nhân và mở rộng sản xuất. Hiện nay, ngoài đảm bảo đơn đặt hàng theo hợp đồng của Công ty CP Kềm Nghĩa với khoảng 400.000 bao bì/tháng (10 - 13 loại), cơ sở của anh chị cũng nhận in chữ, gia công các mặt hàng bao bì khác…

Nói về thành công của mình hôm nay, anh Phú cười: “Tôi luôn đặt niềm tin nơi khách hàng và chọn việc lấy uy tín làm đầu. Tôi thường nhắc nhở những công nhân làm việc tại cơ sở mình, là hãy luôn trân trọng khách hàng thì mới có được những sản phẩm tốt nhất”.

THANH HỢP

Tin cùng chuyên mục