Xu hướng “chạm”, “quẹt” lên ngôi
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động) đều đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019.
Trong một khảo sát gần đây được công bố bởi Visa cho thấy, có đến 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong 12 tháng tới. Xu hướng này cũng được thể hiện rõ hơn qua các số liệu từ VisaNet (mạng lưới xử lý thanh toán tiên tiến của Visa), với tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 39% và tổng số giao dịch tăng 54%.
Đáng chú ý, nếu so sánh tại khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan về việc ủng hộ phương thức thanh toán mới, với khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam có dự định sử dụng thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn và sẽ hạn chế sử dụng tiền mặt trong thời gian tới. Khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng tại Việt Nam rất ủng hộ các kế hoạch của Chính phủ nhằm phát triển một nền kinh tế không tiền mặt. Những xu hướng này chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam đang tích cực đón nhận những lợi ích của thanh toán không tiền mặt.
Thực tế rất nhiều người tiêu dùng Việt đang dần thay đổi, thích nghi hơn với thanh toán không tiền mặt. Theo đó, mỗi khi mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, nhiều người đã quen dần với xu hướng quẹt thẻ hoặc dùng mã QR Code để thanh toán, cũng như khá hứng thú với những chương trình khuyến mại hoặc thử nghiệm mua sắm mới lạ trên các ứng dụng như ví điện tử, thanh toán trực tuyến…
Bằng chứng là sự kiện “Ủng hộ nông sản Việt” do Saigon Co.op phối hợp cùng Ví điện tử MoMo tổ chức mới đây đã được người tiêu dùng ủng hộ mạnh mẽ. Ghi nhận của đơn vị tổ chức cho biết, tính đến cuối ngày 17-6, đã có hơn 40 tấn vải thiều được bán ra với hơn 7.000 lượt mua, giá trị giao dịch hơn một tỷ đồng. Trong khi đó, gạo ST Xuân Hồng cũng được người mua ủng hộ gần 1,6 tấn. Số tiền quyên góp hỗ trợ học phí cho con em nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đạt hơn 35 triệu đồng. Điều này một lần nữa cho thấy, hình thức mua online, thanh toán không tiền mặt đang dần được người Việt chấp nhận.
Kênh bán lẻ - góp sức thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, tất cả các phương tiện thanh toán đã được triển khai tại hệ thống, từ ví điện tử, QR code đến thẻ. Với mong muốn cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, nên kể cả với những khách hàng chọn phương án giao hàng thanh toán tiền, đội ngũ giao hàng tận nhà cũng cầm theo mPOS nhằm phục vụ khách hàng dù bất cứ nơi đâu.
Saigon Co.op đã đặt mục tiêu, trong vòng 4 - 5 năm tới, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers… đạt 30%. Và để hiện thực hóa, trong vòng 3 năm trở lại đây, nhà bán lẻ này đã đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc mua sắm không tiền mặt cho người tiêu dùng tại hơn 800 điểm bán là siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers như khuyến mãi, tặng quà cho người dùng khi mua hàng trả qua thẻ, quét mã QR, hoặc dùng ví điện tử.
Cụ thể, trong tháng 6-2020, hưởng ứng chương trình “Ngày không tiền mặt”, Saigon Co.op đã phối hợp cùng các ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian và ví điện tử đưa ra nhiều chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước. Đơn cử như việc phối hợp cùng Visa thực hiện khuyến mãi cho người tiêu dùng khi mua sắm với hóa đơn trên 400.000 đồng tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.opmart SCA và Finelife. “Trong năm 2020, cùng với đối tác, Saigon Co.op triển khai hàng loạt dịch vụ, ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ như thẻ quà tặng (voucher), thẻ trả trước (prepaid card), xây dựng các giải pháp về gian hàng điện tử, mà vải thiều được xem là bước khởi đầu cho cách thức bán hàng mới mẻ này”, đại diện của Saigon Co.op cho biết thêm.
Cùng với các nhà bán lẻ, hiện nhiều tiểu thương, chủ tiệm tạp hóa trên địa bàn TPHCM cũng đang thích ứng với hình thức thanh toán này. Tại các khu chợ như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), do thường xuyên có khách quốc tế nên nhu cầu thanh toán không tiền mặt cao hơn so với chợ truyền thống khác. Chính vì thế, tiểu thương ở những chợ này đã đầu tư máy cà thẻ, hoặc dùng ví điện tử để thực hiện thanh toán cho khách mua sắm.
Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng, việc các kênh bán lẻ đưa ra nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt khác nhau như thanh toán qua thẻ, qua ví điện tử hoặc mã QR Code… đã giúp họ có thêm nhiều lựa chọn, từ đó quen dần với phương thức thanh toán không tiền mặt.
Có thể thấy, những nỗ lực của các nhà bán lẻ cùng phía ngân hàng và đơn vị thanh toán trung gian đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt, giúp các giao dịch thường nhật của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam được nhanh chóng, an toàn và tiện lợi, cũng như thiết thực giảm tải việc kiểm đếm, bảo quản và vận chuyển tiền mặt.
Hiện TPHCM đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng xã hội không tiền mặt. Tuy nhiên, để thúc đẩy hình thức này, UBND TPHCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành hành lang pháp lý để các ngân hàng thực hiện dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và người dân không phải lo chi phí khi phải thanh toán điện tử. |