Thanh tra hành nghề y-dược: Thấy sai rành rành nhưng buộc… phải bó tay (!?)

Xử phạt nhiều, hiệu quả ít

Lực lượng thanh tra (TT) quá mỏng và còn thiếu thốn rất nhiều điều kiện để thực thi nhiệm vụ. Điều này khiến các TT viên hành nghề y dược (HNYD) giống như những chiến sĩ ra trận mà không có vũ khí. Đây là vấn đề được đặt ra tại lễ tổng kết công tác TT HNYD năm 2007 của ngành y tế TPHCM tổ chức ngày 28-5.

Xử phạt nhiều, hiệu quả ít

Báo cáo tại lễ tổng kết, BS Phạm Kim Bình, Phó chánh TT Sở Y tế TPHCM cho biết: So với năm 2006, số lượng các cơ sở được TT trong năm 2007 có tăng với tổng số là 6.463/12.790, trong đó có 1.125 vi phạm với 1.015 cơ sở bị phạt tiền. Tổng số tiền phạt thu được là trên 3,8 tỷ đồng. Về việc khám chữa bệnh, vi phạm của các cơ sở chủ yếu là những nội dung hành chính như: trang phục, bảng tên, sổ sách, không niêm yết giá; quảng cáo và hành nghề không đúng phạm vi cho phép; đặc biệt là hành vi vừa kê đơn – vừa bán thuốc ở các phòng khám nhi, thậm chí bán thuốc mà không cần khám lại, không toa, thuốc bị biến dạng không nguồn gốc, không nhãn mác… Về hành nghề dược cũng còn rất nhiều tồn tại như kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề, kinh doanh thuốc phi mậu dịch, kinh doanh bảo quản thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và thuốc độc không đúng quy định…

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu khẳng định: Ngoài những nội dung vi phạm mà TT đã phát hiện trong các đợt TT năm 2007, còn rất nhiều những vi phạm mà TT phải tập trung, xem lại toàn diện trong kế hoạch TT năm 2008. Đặc biệt là các cơ sở hành nghề không phép còn tồn tại rất nhiều; lĩnh vực hành nghề y tư nhân, sự tồn tại của các cơ sở massage trá hình cũng cần được TT tập trung kiểm tra và xử lý.

Ông Châu cũng khá phân vân khi cho rằng, chúng ta đã tiến hành kiểm tra nhiều, xử phạt cũng rất nhiều với số tiền nộp phạt khá lớn, nhưng liệu có hiệu quả khi công tác tái kiểm – một phần rất quan trọng của công tác thanh kiểm tra – cho đến nay gần như bị bỏ lửng? Trong 8 cơ sở mà Sở Y tế kết hợp với TT Bộ Y tế kiểm tra và xử phạt cho đến nay vẫn chưa được tái kiểm để xem các cơ sở có khắc phục những tồn tại hay không.

Chính điều này đã làm mất đi ý nghĩa và hiệu quả của công tác TT, nhất là khi hiện nay, mức xử phạt vi phạm HNYD còn quá thấp, các cơ sở sẵn sàng bỏ tiền phạt rồi tiếp tục tái phạm. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng cho rằng, với những tồn tại của cả hệ thống hiện nay, TT chỉ có thể xử phạt những đối tượng vi phạm lớn đưa ra công luận để người khác tự chấn chỉnh.

Bối rối vì không có “vũ khí”

Báo cáo của đại diện các phòng y tế quận huyện cho thấy, TT quận huyện hiện còn thiếu rất nhiều điều kiện để thực thi nhiệm vụ của mình. Việc tập huấn, cập nhật kịp thời những quy định mới về quyền hạn TT, cách thức xử lý vi phạm và mức xử phạt được xem là một cách “trang bị vũ khí” cho TT viên, nhưng suốt từ năm 2006 cho đến nay, toàn ngành chỉ mới tổ chức được một lớp tập huấn nhưng lại là tập huấn về công tác TT vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì điều này, TT quận huyện đã rất bối rối khi xử lý các trường hợp vi phạm.

Tại lễ tổng kết, đại diện Phòng Y tế quận 8 và quận 12 cho biết, TT quận đang rất bối rối không biết xử lý ra sao với trường hợp một nhà thuốc sau khi dược sĩ đã rút tên, chuyển nhà thuốc đi nơi khác nhưng không tháo bảng hiệu, quầy kệ nên dược tá tiếp tục kinh doanh. TT quận đã tiến hành kiểm tra nhưng việc kiểm tra độc lập rất khó, phải tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành khá nhiêu khê mới kiểm tra và thu giữ tang vật được.

Nhưng sau khi thu giữ tang vật và xử phạt, đối tượng cũng không đến nộp phạt và việc xử lý tang vật cũng chưa biết làm như thế nào? Đại diện quận 3 thì cho rằng, trên địa bàn quận có một số phòng khám mang yếu tố nước ngoài bị dư luận phản ánh là hoạt động rất ì xèo nhưng khi TT quận xuống làm việc, cơ sở từ chối thẳng thừng không cho TT. Đoàn TT cũng đành ngậm ngùi vì không biết quyền hạn của mình với các trường hợp này như thế nào!

Điều đáng quan tâm nữa là hiện nay lực lượng TT của ngành y tế còn quá mỏng so với quy mô hoạt động của một TP được xem là trung tâm y-dược của cả nước. Đưa ra một so sánh số lượng các cơ sở hành nghề y dược của cả một tỉnh như Long An chỉ bằng một quận Tân Bình của TPHCM, nhưng biên chế ngành thì bằng nhau trong khi TPHCM phải gánh gồng công việc gấp mấy chục lần. Báo cáo tại lễ tổng kết, nhiều quận huyện cho biết, kinh phí xăng xe cho các TT viên năm 2007 cho đến nay vẫn chưa có; công tác khen thưởng dành cho TT cũng dường như bị lãng quên.

Phát biểu về vấn đề này, Giám đốc Nguyễn Văn Châu không khỏi bức xúc khi đề nghị ngay trong tháng 6-2008, Phòng Quản lý dịch vụ phải phối hợp ngay với TT sở tổ chức một lớp tập huấn công tác TT.

Kim Liên

Tin cùng chuyên mục