Tháo gỡ cho cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã

Việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cắt giảm số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp phường, xã, thị trấn đã gây không ít khó khăn cho các địa phương tại TPHCM trong thực hiện nhiệm vụ và chính các cán bộ không chuyên trách. Trong các đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, chăm lo cho cán bộ cấp cơ sở cũng là vấn đề được cử tri ở nhiều nơi đề cập, kiến nghị HĐND TPHCM và Quốc hội phải quan tâm tháo gỡ.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh

Khó khăn trăm bề

Thực hiện Nghị định số 34/2019 của Chính phủ, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết số 06/2020 quy định về chức danh, bố trí số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn. Thực hiện quy định này, từ 1-1-2021, các quận huyện đã cắt giảm tổng cộng 2.299 người dôi dư. 

Với các phường, xã, thị trấn, khó khăn đã rõ khi số cán bộ bị cắt giảm rất nhiều. Lãnh đạo các địa phương, nhất là những nơi có trên dưới 100.000 dân, rất lo ngại về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm nay. Còn với bản thân cán bộ không chuyên trách, có những cán bộ cho biết công việc hàng ngày tăng lên gấp 5-6 lần so với trước, khiến họ rất căng thẳng. Trong khi đó, mức thu nhập không thay đổi nên không ít cán bộ có ý nghĩ sẽ không thể tiếp tục công việc. 

Đánh giá sơ bộ, Sở Nội vụ TPHCM nhìn nhận những vướng mắc khi thực hiện quy định tại Nghị quyết 06. Đó là số người hoạt động không chuyên trách không đủ để tham mưu, giải quyết công tác phục vụ người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, áp lực công việc tăng cao, trong khi chính sách chi thu nhập tăng thêm và phụ cấp công vụ với đội ngũ hoạt động không chuyên trách còn gặp vướng mắc nhất định khi thực hiện. Hiện nay, với cán bộ không chuyên trách có trình độ đại học thì mức thu nhập tính theo hệ số lương (1,14) cộng với trợ cấp trình độ, là hơn 3,3 triệu đồng/tháng (sau khi đã trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Với người có trình độ trung cấp hoặc chưa qua đào tạo thì thu nhập còn thấp hơn, chỉ ở mức hơn 2,6 triệu đồng. Người có trình độ cao đẳng được nhận hơn 2,9 triệu đồng. 

Từ khi TPHCM áp dụng chính sách đặc thù về thu nhập tăng thêm, cán bộ không chuyên trách ở phường, xã được hưởng thêm một khoản bằng nhau khoảng 6 triệu đồng/quý (tức 2 triệu đồng/tháng). Tính ra, tổng thu nhập của một cán bộ không chuyên trách ở TPHCM hiện vào khoảng 4-6 triệu đồng. 

Lãnh đạo một số phường xã cho biết, ngoài mức thu nhập này, các địa phương cũng chủ động tìm thêm các nguồn hỗ trợ. Tại quận 5, một số phường hỗ trợ thêm cho cán bộ không chuyên trách mức 500.000 đồng/tháng.

Chờ thêm phụ cấp công vụ

Các chức danh không chuyên trách ở cấp phường, xã hiện nay gồm văn phòng đảng ủy, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, phó chủ tịch Hội Nông dân, bí thư đoàn, chủ tịch Hội Người cao tuổi, thủ quỹ - văn thư - lưu trữ, phụ trách kinh tế… Họ đang đảm nhận khối lượng công việc không nhỏ ở các xã, phường, thị trấn. Theo tìm hiểu của PV, cán bộ công chức cấp xã đang hưởng thêm phần phụ cấp công vụ theo Nghị định 34/2012, bằng 25% mức lương hiện hưởng. Tuy nhiên, người hoạt động không chuyên trách không thuộc nhóm đối tượng được hưởng khoản phụ cấp này. 

Nghị định 34/2019 ra đời có quy định căn cứ vào quỹ phụ cấp và đặc thù của cấp xã, mà UBND cấp tỉnh có thể trình HĐND cùng cấp quy định về phụ cấp chức danh với người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Từ đó, tất cả quận huyện, TP Thủ Đức và sở ngành liên quan đều thống nhất đề xuất UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành nghị quyết về phụ cấp công vụ với người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Dù từ năm 2012 đến nay, trong dự toán ngân sách hàng năm, TPHCM luôn có định mức chế độ phụ cấp công vụ, tuy nhiên theo quy định của Luật Ngân sách và Nghị định 34/2019 thì việc áp dụng chế độ phụ cấp công vụ với người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải do HĐND TPHCM ban hành nghị quyết. 

Mức phụ cấp để tính phụ cấp công vụ đang được TPHCM xem xét tính toán là 2,67 với người có trình độ trên đại học; 2,34 với người có trình độ đại học; 2,1 với người có trình độ cao đẳng và 1,86 với người trình độ trung cấp hoặc chưa qua đào tạo; 1,14 với người nghỉ hưu công tác lại. 

TPHCM cũng đang dự thảo một văn bản báo cáo, trình trung ương xem xét chấp thuận đề xuất trên. Theo đó, công tác vận động người dân tham gia, thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội cũng là một áp lực rất lớn lên đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã, trong bối cảnh số lượng đã giảm đi rất nhiều sau khi thực hiện bố trí, sắp xếp, kiện toàn theo quy định tại Nghị định 34/2019. “Để ổn định tâm lý và động viên, khuyến khích đội ngũ người hoạt động không chuyên trách yên tâm công tác, TPHCM đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB-XH cho ý kiến về thực hiện chế độ phụ cấp công vụ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn TPHCM”, dự thảo đề xuất của TPHCM nêu. Khoản chi này sẽ do ngân sách địa phương đảm bảo, ngân sách trung ương không hỗ trợ.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử vừa qua, tại nhiều địa phương, cử tri đã kiến nghị các ứng cử viên là lãnh đạo cấp cao của trung ương và TPHCM cần quan tâm đến chính sách cho đối tượng cán bộ không chuyên trách. Cử tri huyện Củ Chi nêu, với mức thu nhập rất thấp, cán bộ ở cấp cơ sở trăm công ngàn việc, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì quá thiệt thòi, vất vả. Rất chia sẻ những ý kiến này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị TPHCM với tiềm lực của mình quan tâm hơn chế độ chính sách cho cán bộ cấp cơ sở để họ yên tâm gắn bó, cống hiến. Bởi đây là những người trực tiếp đưa chủ trương, chính sách đến với người dân, không nên để họ phải chịu quá nhiều thiệt thòi…

Tin cùng chuyên mục