Tháo nút thắt đầu tư công

Theo thống kê, quý 1-2023, TPHCM có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 2%. Nếu tình hình này không sớm được cải thiện thì kế hoạch giải ngân đến cuối năm 2023 trên 95% của hơn 70.000 tỷ đồng khó đạt được.

Vướng mặt bằng, thủ tục

Trong số 65 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư công giai đoạn 2021-2025, quận Bình Tân có 48 dự án có tiến độ thực hiện chậm so với thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một nguyên nhân lớn được lãnh đạo quận Bình Tân nhìn nhận là các thủ tục liên quan đến bồi thường rất phức tạp, kéo dài. Cụ thể là các thủ tục như điều tra hiện trạng, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất... mất nhiều thời gian. Một số dự án thậm chí đã có kế hoạch thi công nhưng do người dân không đồng thuận giá bồi thường, khiếu nại khiến công tác bồi thường kéo dài. Từ đó, quận Bình Tân không kịp giao mặt bằng để thi công.

Đặc biệt, quận Bình Tân còn gặp khó về giá bồi thường đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư, nhất là với các dự án trường học trên địa bàn. Việc áp giá bồi thường đất nông nghiệp cho các trường hợp này quá thấp nên đa số các hộ dân không đồng thuận.

Dự án xây dựng Bệnh viện Hóc Môn, TPHCM, đang dần hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dự án xây dựng Bệnh viện Hóc Môn, TPHCM, đang dần hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại quận Phú Nhuận, hiện có 2 dự án đầu tư công kéo dài là dự án cải tạo mở rộng đường Trương Quốc Dung và dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện quận Phú Nhuận. Trong đó, dự án cải tạo, mở rộng đường Trương Quốc Dung có chủ trương đầu tư từ năm 2016, được tách thành 2 dự án độc lập, gồm dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và dự án xây lắp. Đến năm 2019, Luật Đầu tư công mới quy định chỉ dự án trọng điểm quốc gia, dự án nhóm A thì công tác bồi thường mới được tách thành dự án độc lập. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư... Hay như một số dự án trước đây thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND quận, nhưng đến nay, theo quy định mới thì thẩm quyền điều chỉnh dự án lại thuộc về các sở chuyên ngành, khiến quận cũng gặp khó.

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bảy, có 2 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công là công tác thẩm định giá và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Gần đây, các hồ sơ thẩm định giá đã được Sở TN-MT giải quyết nhanh chóng; còn công tác bồi thường vẫn chậm, có một phần nguyên nhân là quận huyện chưa chuẩn bị tốt cho công tác này, gây chậm trễ khiến giá bồi thường lạc hậu, dân phản ứng. Có một thực tế là dự án càng chậm trễ càng phức tạp, khó giải quyết vì chính sách bồi thường thay đổi, các quy định, quy trình cũng thay đổi qua thời gian.

Tập trung tháo gỡ cho dự án lớn

Năm 2023, TPHCM được giao giải ngân vốn đầu tư công hơn 70.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng 4 ban quản lý (BQL) của thành phố đã có số vốn cần giải ngân chiếm 67%, gồm: BQL đường sắt đô thị; BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông); BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Năm 2022, được “điểm danh” nhiều nhất về chậm giải ngân vốn đầu tư công là BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

Tính đến đầu tháng 8-2022, ban này có tới 12 dự án giải ngân tỷ lệ dưới 10%, thậm chí nhiều dự án giải ngân 0%. Trong khi đây đều là các dự án có vốn đầu tư lớn như Bệnh viện Nhi đồng TPHCM 1.000 tỷ đồng; cụm y tế Tân Kiên 277 tỷ đồng; Trung tâm triển lãm quy hoạch 350 tỷ đồng...

Nhằm cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu năm 2023, TPHCM đã tập trung thúc đẩy dự án đường Vành đai 3 với mong muốn tạo thành một kiểu mẫu trong thực hiện dự án đầu tư công.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, dự án này đi qua địa phận của 4 địa phương gồm TP Thủ Đức, các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn. Năm 2023, số vốn cần giải ngân của dự án là 23.000 tỷ đồng (chiếm đến 80% vốn của Ban Giao thông), trong đó có gần 5.000 tỷ đồng giải ngân cho dự án xây lắp và 18.000 tỷ đồng cho bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Ông Lương Minh Phúc cho biết, toàn bộ vốn đã được bố trí đủ và Ban Giao thông đã xây dựng tiến độ giải ngân cho từng tháng, từng quý; dự kiến hết quý 3 sẽ giải ngân đạt 72% và hoàn thành 100% vào cuối năm.

Thực tiễn các năm qua cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thường tập trung vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, từ bài học của năm 2022 có thể thấy việc “chạy” tốt từ những tháng đầu năm là rất quan trọng thay vì chờ đợi thủ tục, chậm trễ giao vốn, dẫn tới cuối năm công việc dồn dập từng ngày vẫn không hoàn thành được chỉ tiêu.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho hay, qua tính toán tiến độ từng dự án trên địa bàn, có thể xác định việc giải ngân sẽ tập trung vào tháng 9, tháng 10. Trên bình diện toàn thành phố, ông Hoàng Tùng cho rằng nếu có một bảng chi tiết tiến độ giải ngân đầu tư công thì sẽ dễ theo dõi và đôn đốc.

TPHCM hiện có 3 tổ công tác về đầu tư công, gồm tổ về các dự án lớn, tổ giải phóng mặt bằng và tổ ODA. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa yêu cầu, với các ban có số vốn cần giải ngân lớn, các công trình trọng điểm cần giao ban hàng tuần, thậm chí hàng ngày trong khoảng thời gian cần thiết để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Tin cùng chuyên mục