Cũng xin khẳng định là trước khi có Nghị quyết 54, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM cũng đã năng động, sáng tạo, hết sức chủ động, tích cực trong việc chấp hành các nghị quyết của Trung ương vì lợi ích của cả nước, vì lợi ích của TP; từ đó đóng góp rất lớn vào thu ngân sách, huy động các nguồn lực, tạo ra các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua của đất nước (cụ thể TPHCM đã đóng góp 1/3 khoản thu ngân sách, 1/4 giá trị gia tăng hàng năm của nền kinh tế, 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).
Rõ ràng không phải đợi đến Nghị quyết 54, TPHCM mới thể hiện vai trò vì cả nước, cùng cả nước, nhưng với tư duy trước khi có Nghị quyết 54, TPHCM bị trói chặt vào cái áo cơ chế quá cũ, trong khi tiềm năng và đòi hỏi TPHCM phát triển quá lớn. Chính vì thế, Nghị quyết 54 thực chất là một cơ chế mới, mở đường cho sự phát triển của TPHCM ngang tầm với tiềm năng của TP, xứng đáng với kỳ vọng phát triển của TP, của khu vực phía Nam và cả nước.
Đã là “thời cơ lịch sử” thì không dài, chỉ là một khoảnh khắc của lịch sử. Chính vì thế, vấn đề quyết định là bản lĩnh của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM có chớp được “thời cơ lịch sử” này hay không. Có nghĩa, trong 5 năm tới, nếu không thực hiện được thắng lợi Nghị quyết 54 thì TP bỏ lỡ mất cơ hội bằng vàng để phát triển xứng đáng với tầm vóc và đóng góp xứng đáng với vị thế của mình.
Từ điểm này đòi hỏi điều đầu tiên của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức TP là có bản lĩnh vượt qua được chính mình, thay đổi được thói quen, cách nghĩ, cách làm và dũng cảm chấp nhận đương đầu với cơ chế mới đầy thử thách này không? Đây chính là thách thức của Đảng bộ TPHCM.
Chữ đầu tiên con người TP cần có là “bản lĩnh”, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ở mức cao nhất mà Đảng, nhân dân cả nước kỳ vọng trông vào.
Điều thứ hai đòi hỏi ở TPHCM khi thực hiện Nghị quyết 54 là phải “vô cùng sáng tạo”, bởi vì từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ thực hiện cơ chế đặc thù. Nhìn ở bình diện các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng chẳng quốc gia nào có mô hình đặc thù và cách làm như thế này, kể cả Singapore.
Điều thứ hai đòi hỏi ở TPHCM khi thực hiện Nghị quyết 54 là phải “vô cùng sáng tạo”, bởi vì từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ thực hiện cơ chế đặc thù. Nhìn ở bình diện các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng chẳng quốc gia nào có mô hình đặc thù và cách làm như thế này, kể cả Singapore.
TPHCM đi tiên phong, phải bắt đầu xây dựng mô hình, cách làm. Nếu không sáng tạo, mà cứ theo đường mòn lối cũ, công thức thì qua mất thời cơ; hoặc nếu quá cẩn trọng, cứ phải thực nghiệm, thí điểm kéo dài thì cũng mất thời cơ. Vì vậy sáng tạo nhưng cũng phải hiệu quả. Nghĩa là TPHCM cần tổng kết những mô hình, kinh nghiệm, cách làm trước đây và đang có hiệu quả, hữu ích; qua đó nâng cao, đổi mới để những mô hình, cách làm này hiệu quả hơn, hữu ích hơn. TP cần kiên quyết đoạn tuyệt với những cách làm cũ, chậm trễ, trì trệ, thiếu hiệu quả; đặc biệt là phải dũng cảm bỏ cái sai, cái tồn tại, hạn chế đã thấy, không lặp lại.
Yêu cầu thứ ba, để thực hiện thành công Nghị quyết 54 là phải “quyết liệt trong hành động”. Vì là thí điểm nên thời gian sẽ tính bằng 3 năm để sơ kết, 5 năm để tổng kết. Quyết liệt ở đây là lấy thời gian làm nguồn lực; là làm đồng bộ từ Thành ủy, Quận - Huyện ủy đến đảng ủy cơ sở, chi bộ, từng đảng viên; là cả đảng, chính quyền, đoàn thể, toàn thể các cơ quan, sở ban ngành đến từng quận - huyện, phường - xã - thị trấn cùng làm; tuy đảng bộ có hàng trăm ngàn đảng viên, nhân dân TP có cả chục triệu người nhưng suy nghĩ và hành động phải như một người. Và như thế phải xóa lợi ích nhóm, xóa trì trệ bảo thủ, xóa tư duy tầm nhìn hạn hẹp địa phương, cục bộ bản vị, xóa cá nhân chủ nghĩa, mọi người cùng phải chung một tấm lòng là vì TPHCM phát triển vì cả nước theo tinh thần Nghị quyết 54 đã mở đường.
Điều cuối cùng đòi hỏi yếu tố con người khi thực hiện Nghị quyết 54 chính là “biết lắng nghe”, khiêm tốn học hỏi, vừa làm vừa sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, luôn hướng tới mục đích để TP phát triển vì cả nước. Có như thế, chúng ta mới kịp thời điều chỉnh, thậm chí phải bổ sung, kiến nghị đối với Trung ương, Chính phủ, Quốc hội về những lĩnh vực nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54. Trong quá trình đó, mỗi năm cần phải đánh giá kết quả thực hiện, để đến khi sơ kết sau 3 năm thì sẽ toàn diện, tổng thể, đồng bộ, khoa học hơn. Sơ kết rồi thì phải có cái mới để 2 năm còn lại thực hiện hoàn chỉnh, tốt hơn.
Như thế chúng ta phải luôn luôn nhìn vào thực tế công việc, cái gì hay phải nhân rộng ngay và cái gì dở phải chặn đứng lại, xóa bỏ. Như thế chúng ta mới có cách làm thực tiễn, thậm chí là phải thực dụng để có kết quả chứ không thể công thức, máy móc, quy trình hóa một cách giản đơn, để rồi cuối cùng phong trào có thể có nhưng kết quả lại không như mong muốn.
Quan trọng là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết 54 là phải làm cho TP vươn lên, trưởng thành và đóng góp cho cả nước cùng phát triển. Với truyền thống của mình, TPHCM nhất định sẽ có nhiều cách làm năng động, sáng tạo để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP khi được tiếp nhận nghị quyết này.