Dù chưa nuôi dạy một đứa con nào nhưng Nguyễn Chí Hiếu có duyên may được đồng hành cùng hàng nghìn “đứa con”, tức là những học trò anh có dịp dạy dỗ và dõi theo trong gần chục năm qua. Chính nhờ những trải nghiệm ấy đã giúp tác giả nhận ra nhiều điều chưa ổn trong nhận thức và phương pháp sư phạm tại gia của không ít bậc cha mẹ. Điều này thôi thúc Nguyễn Chí Hiếu đi tìm lời giải và cách “sắc thuốc” cho những “căn bệnh giáo dục” anh vừa nhận thấy.
Dạy con cái không phải chuyện đơn giản, nó như một môn học mà bất cứ cha mẹ nào cũng cần phải học. Nhiều người lớn vẫn đang quyết định nhiều thứ thay cho con cái của mình mà không nghĩ rằng điều đó sẽ tác động lên lũ trẻ rất nhiều.
Điều đáng sợ nhất trong tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là gì? Đó là quyết định và sắp đặt hết tất cả mọi thứ theo suy nghĩ của mình, và nghĩ rằng những điều này là tốt nhất cho con!
Tác giả bày tỏ: “Liệu có bao nhiều người trong số đó thật sự hiểu bản chất của giáo dục? Hay chính họ cũng là nạn nhân của một xã hội mà ai thích nói gì thì nói, cái gì nghe sơ qua cũng thấy hay, và mạng xã hội hằng ngày đang gắn micro cho nhiều tư tưởng đẹp mã nhưng rỗng ruột, thậm chí phi giáo dục? Nhiều tư tưởng ấy lại còn được viết ra bởi nhiều người chưa đắm mình thật sự vào cái biển giáo dục, chưa nhiều lần cầm phấn đứng lớp mà chỉ mới đọc lướt qua vài cuốn sách? Chính lũ trẻ sẽ phải oằn lưng gánh hết mọi hệ quả từ những thứ hiểu chưa sâu ấy, may thì chỉ phải gánh gồng trong vài tuần vài tháng, không may thì phải gánh gồng suốt cả cuộc đời”.
Trong Thay đổi vì con, Nguyễn Chí Hiếu kể lại những dòng tâm sự của những người con, cách giáo dục của cha mẹ mà anh có dịp bắt gặp. Vì vậy, đây là cuốn sách có sự kết hợp từ những đúc kết triết lý giáo dục, nghiên cứu và thí nghiệm khoa học, tâm lý, thần kinh, giáo dục trong gần một thế kỷ qua, với những trải nghiệm thực tế của tác giả ở hơn trăm trường học, với hàng chục nghìn giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Giáo dục sai cách và sai mục tiêu thường gây ra những hậu quả khó lường. Nhưng có không ít cha mẹ hoặc cố tình nhắm mắt phớt lờ thực tế rằng đang có những cách giáo dục phi giáo dục, hoặc vẫn mờ mịt loay hoay với những câu hỏi sai về việc học tập của trẻ. Lũ trẻ có thể lướt phăng phăng trên những tờ phiếu bài tập nhưng tư duy lại ngày càng ì ạch, óc sáng tạo ngày một cạn mòn và động lực học tập nội tại chực chờ lịm tắt. Đó chắc chắn không phải là thành tựu đúng nghĩa của giáo dục.
Tác giả Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ: “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Tôi mong những sự thật được phô bày trong cuốn sách này sẽ giúp những bạn đọc nào đó vượt lên cảm giác “mất lòng”, để hướng tới việc nhìn nhận lại những căn bệnh giáo dục mà quyết tâm chữa lành, mà Thay đổi vì con”.