“Thầy giáo nhí” của lớp học trên biển

Thời gian qua, lớp học tình thương ở đảo Hòn Chuối (vùng biển Tây Nam Tổ quốc) của thượng úy, thầy giáo Trần Bình Phục và hơn 20 em nhỏ trở thành hình ảnh truyền đi cảm hứng mạnh mẽ…
Các em quấn quít “thầy nhí” Quách Long Tứ
Các em quấn quít “thầy nhí” Quách Long Tứ
Không biết từ bao giờ, tiếng học trò ê a, vang ra từ lớp học trên triền núi cheo leo là âm thanh không thể thiếu nơi địa đầu vùng biển Tây Nam. Lớp không có đèn điện nên đến chiều là tối tù mù, thầy và trò khó nhìn mặt chữ. Dù vậy, trò vẫn cố gắng đến lớp đều đặn, học đến tiết cuối cùng. Thầy vẫn kiên trì truyền thụ kiến thức, bất kể những lúc thiếu ánh sáng hay khi thời tiết thất thường. Bây giờ, học trò của thầy Phục không chỉ chăm ngoan mà còn biết bảo ban những em nhỏ hơn, giúp thầy trông coi lớp học. 

Là anh cả trong lớp, Quách Long Tứ (15 tuổi, học lớp 8) là “trợ thủ” đắc lực của thầy. Nước da đen nhẻm, dáng người nhỏ nhắn, nhìn Tứ, không ai nghĩ em sắp học hết cấp 2. Ánh mắt sáng, cách ứng xử vô tư nhưng lễ phép khiến ai từng tiếp xúc với em đều nảy sinh thiện cảm. Cậu học trò nhỏ nói rằng, thầy Phục dạy các em chân thành khi giao tiếp, thương yêu em nhỏ, lễ phép với người lớn. Tứ theo cha mẹ từ thị trấn Sông Đốc ra Hòn Chuối mưu sinh cách đây chưa đầy 1 năm. Gia đình em sống ở ngọn hải đăng trên đảo. Những ngày đầu ở đây, Tứ buồn vì xa bạn bè, trường học nhộn nhịp ở thị trấn. Nhưng riết rồi quen, bây giờ, cuộc sống của em không thể thiếu chú bộ đội, thầy giáo, các em. 

Trong lớp chỉ có Tứ đang học lớp 8 (lớp cao nhất). Vì thế, thầy Phục giao cho Tứ (làm “thầy giáo nhí”) trông coi, kèm cặp học sinh lớp 1, 2 học môn Toán và Tiếng Việt. Thầy hướng dẫn kỹ càng cách truyền đạt, quản lý lớp học.
Theo lời thầy dặn, hàng ngày, Tứ dạy các em một bài Toán, một bài Tiếng Việt. Sau đó, Tứ giao bài tập về nhà. Hôm sau, từng học sinh trả bài rồi tiếp tục bài học kế tiếp. Những em học lớp 2 luôn hiếu động hơn nên thường khiến anh Tứ “toát mồ hôi” khi quản lớp. Mặc dù thế, bài học vẫn kết thúc suôn sẻ, vì các em dẫu nghịch nhưng nghe lời anh răm rắp. Thấu hiểu việc thầy Phục tâm huyết dạy chương trình lớp 8 cho duy nhất một học sinh là mình nên bản thân Tứ càng cố gắng, vừa học tốt vừa đỡ đần thầy. Giờ đây, tiếng “thầy Tứ” dần thay thế tiếng thầy Phục đánh vần, gõ nhịp cho các em đồng thanh đọc theo. Giờ tan học, do thiếu ánh sáng nên không ai nhìn rõ đường, Tứ lần mò từng bước chân, phụ thầy dắt các em xuống núi. 

Ngày nghỉ, Tứ cùng các em lên thăm chú bộ đội, mang theo sách, vở ôn bài. Không ít em hồn nhiên… “cáo trạng” anh Tứ thiên vị. “Anh lo đến mấy em lớp 1, 2 rồi tập trung học không à”, Kim Anh Khôi, học lớp 3, nói. Nghe xong, Tứ ôn tồn: “Ai hỏi anh trả lời hết mà. Lớp mình không có điện nên buổi chiều tối thui, vì thế anh tranh thủ học. Anh cố học thật nhiều để sau này dạy học ở đây như thầy của tụi mình. Nếu lớp mình có máy phát điện thì tốt biết mấy. Tụi mình sẽ học đến chiều muộn. Như vậy, anh có nhiều thời gian học chung với các em hơn”. 

Chứng kiến câu chuyện, chúng tôi chợt hiểu, học trò của thầy Phục quyết tâm nối nghiệp thầy. Và, một lớp học đủ tiêu chuẩn ánh sáng là yếu tố quan trọng giúp thầy và trò trên đảo Hòn Chuối nuôi dưỡng, vun trồng ước mơ.

Tin cùng chuyên mục