Chính phủ tập trung thảo luận về 9 nội dung gồm: dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); tờ trình về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước; tờ trình về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; báo cáo tổng hợp kết quả rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan và ý kiến thẩm tra về đề nghị xây dựng các dự án luật để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch; báo cáo về việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công được giao tại Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo tóm tắt về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.
Thủ tướng nêu rõ, một trong những điểm nghẽn đối với sự phát triển được Đảng xác định là thể chế. Vừa qua, dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong việc xây dựng thể chế, pháp luật. “Chính điểm nghẽn đó nên Chính phủ tập trung vào thể chế. Chúng ta phải gỡ ra dần để thể chế, pháp luật, chính sách của chúng ta sát hơn nữa với cuộc sống, với tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng nhấn mạnh. Yêu cầu mà Chính phủ đặt ra là kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, mọi khó khăn để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Thủ tướng yêu cầu các bộ cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có vướng mắc là sửa ngay, không chờ đợi.
Cho ý kiến về các nội dung, Thủ tướng quán triệt tinh thần tất cả bộ ngành liên quan không đưa quy định về tổ chức bộ máy vào luật để “đẻ” thêm bộ máy. Về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tạo ra một cực tăng trưởng mới, tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước khu vực và trên thế giới… Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chính sách phải thông thoáng hơn, ưu đãi hơn, vượt trội hơn. Nếu không thông thoáng, vượt trội, khác biệt, ưu thế hơn thì không có tác dụng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu kết quả rà soát của VCCI và Viện Quản lý kinh tế Trung ương về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh, chủ động tự rà soát để sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, không cần thiết. Các bộ ngành phải chủ động phối hợp với Bộ KH-ĐT, VCCI, lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo sự đồng thuận về các kiến nghị sửa đổi.
Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để đối thoại thường xuyên hơn nữa về các điều kiện đầu tư kinh doanh để đưa ra phương án bãi bỏ. Xây dựng một nghị định hoặc chỉ thị của Thủ tướng về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.
Cũng trong ngày 22-8, Chính phủ đã thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ GTVT. Trong đó có đơn giản hóa thủ tục cấp mới Giấy phép lái xe (bỏ bản sao Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; bỏ yêu cầu thông tin trong mẫu đơn gồm ngày sinh, giới tính, hộ khẩu, số Chứng minh nhân dân và ngày cấp...). Với thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng bị mất, bỏ các thông tin liên quan đến cá nhân công dân và bổ sung số định danh cá nhân vào mẫu đơn…
Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN-MT. Theo đó, sẽ đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước. Còn tại Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ, một số thủ tục hành chính thuộc 13 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ VH-TT và DL sẽ được đơn giản hóa.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, sẽ có 406 doanh nghiệp (DN) thực hiện thoái vốn, gồm 135 DN thực hiện thoái vốn năm 2017; năm 2018 tiếp tục có 181 DN thực hiện thoái vốn; năm 2019 có 62 DN thực hiện thoái vốn và năm 2020 có 28 DN thực hiện thoái vốn.